Trong đó, với tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Ở tình huống này, các bệnh viện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các giai đoạn của dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện cho phòng chống dịch.
Xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; thành lập đội chống dịch cơ động hỗ trợ cho tuyến dưới; tổ chức diễn tập phòng chống dịch; điều trị các ca bệnh theo phân tuyến; thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo.
Với tình huống 2: Có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam. Trong tình huống này sẽ tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở; thường trực chống dịch 24/24h.
Đồng thời, rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hoá chất, nhân lực sẵn sàng ứng phó với dịch lan rộng; tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế: công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.
Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng. Ở tình huống này sẽ mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia; thường trực chống dịch 24/24h; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết.
Bên cạnh đó, phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh…
Tại cuộc tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và một số nội dung về điều trị cúm A chiều 1/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết.
Ông cũng yêu cầu các cơ sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập để cách ly và điều trị kịp thời.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, vấn đề khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng ca bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này là việc xuất hiện các ca bệnh có triệu chứng không điển hình. Hịện không có thuốc kháng virus nào có hiệu quả đã được chứng minh cho bệnh nhân đậu mùa khỉ. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi và điều trị tổn thương.
Các chuyên gia của WHO và Bộ Y tế lưu ý 3 nhóm đối tượng gồm: Trẻ nhỏ; phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch cần theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng.
Liên quan đến vấn đề này, tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu (đối với địa phương có cửa khẩu) trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, khuyến cáo của WHO để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Đặc biệt lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương…
Theo vneconomy.vn