Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ này có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng, số ca mắc có thể gia tăng. Hiện, biến thể BA.4, BA.5 cũng đã xuất hiện tại Hà Nội và TP. HCM.
Tại Hà Nội, theo Sở Y tế, thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm biến chủng BA.5 thông qua kết quả giải trình tự gen được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tại TP. HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng cho biết, vào ngày 4/7, thông qua hệ thống giám sát, TP. HCM đã phát hiện 3 trường hợp mắc Covid-19 có kết quả giải trình tự gen xác định nhiễm biến thể mới của Omicron là BA.4 và BA.5.
Theo báo cáo ghi nhận, 2 bệnh nhân nhiễm biến thể BA.4 là 2 chị em sống cùng nhà tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức. Bệnh nhân thứ 3 là nữ, 11 tuổi, ngụ tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.
Hệ thống giám sát dịch của Ngành Y tế thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 – 13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Do đó trong thời gian tới số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ này. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến cáo cần tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19 để phòng bệnh và hạn chế sự lây lan của biến chủng.
GS TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh, tiêm vaccine Covid-19 không chỉ là yêu cầu phòng chống dịch, người dân cần đi tiêm phòng mà điều này còn bảo vệ cho bản thân, gia đình và cả xã hội, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.
“Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, chúng ta giảm bớt lây nhiễm, giảm nhập viện tử vong thì giảm đi được gánh nặng cho xã hội và đặc biệt các cán bộ y tế cảm thấy hạnh phúc khi tất cả người dân đi tiêm. Như vậy, chúng tôi cũng sẽ bớt đi những áp lực trong thời điểm hiện nay”, GS TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Theo ông Lân, đến nay, sau 4 – 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản nên, miễn dịch đối với những người này đã giảm, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập.
Bên cạnh đó, cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan như vậy thì có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.
“Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng”, GS TS Phan Trọng Lân cho biết.
TS Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh, khi còn chủng virus lưu hành, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Do vậy, một khi còn vaccine thì phải tiêm phòng để bảo vệ cho người dân. Trong đó, cần chú ý tiếp cận những nhóm nhỏ nhưng thuộc nhóm dễ bị tổn thương; những nhóm chưa được tiêm vaccine với liều cơ bản.
Đối với liều thứ 4, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người có tuổi, họ vẫn phải là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine.
Theo vneconomy.vn