Vốn là một căn bệnh đặc hữu có nguồn gốc từ khu vực Trung Phi và Tây Phi nhiều năm qua, đậu mùa khỉ trong những tuần qua bất ngờ lan rộng sang các khu vực khác, chưa rõ nguyên nhân. Khoảng 200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này.
Hiện thế giới chưa có ca tử vong nào do mắc bệnh đậu mùa khỉ, song giới chức y tế toàn cầu vẫn bày tỏ quan ngại về việc số ca nhiễm gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh.
Mới đây nhất, các nhóm nghiên cứu từ Đại học công giáo Louvain (KU Leuven) của Bỉ đã bắt đầu tiến trình giải trình tự gene của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Theo kết quả phân tích và nghiên cứu, nhà vi sinh vật học Emmanuel André cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ có DNA phức tạp hơn nhiều so với virus RNA. Trong khi đó, hiện có rất ít dữ liệu chất lượng tốt về các chủng gốc để có thể so sánh và xác định xem liệu virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã có biến thể ở châu Âu hay chưa.
Theo Giáo sư sinh học và miễn dịch học Eric Muraille thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB), không nên chủ quan khi đánh giá về mức độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, dù hiện nay tốc độ lây lan mới chỉ ở mức thấp. Bởi nếu không được vô hiệu hóa kịp thời, bệnh có thể lây truyền từ người sang một số loài “thú cưng” trong gia đình và tạo thành các ổ chứa virus rất khó loại bỏ.
Giáo sư Muraille nhấn mạnh việc xuất hiện nhiều ca bệnh ở các nước phương Tây hiện nay cho thấy có thể virus đã âm thầm lây lan trong một thời gian. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng để kiểm soát dịch bệnh và cần phải thực hiện mọi biện pháp để cắt đứt chuỗi lây nhiễm nhằm tránh nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu ở châu Âu.
Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nổi tiếng đang thúc đẩy các cơ quan y tế toàn cầu hành động nhanh hơn để ngăn chặn một đợt bùng phát bệnh, theo Reuters. Họ lập luận rằng các chính phủ và WHO không nên lặp lại những sai lầm trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vốn khiến việc phát hiện ca bệnh chậm trễ và tạo điều kiện cho virus lây lan.
Các nhà khoa học này cho biết mặc dù bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng lây truyền hoặc nguy hiểm như Covid-19, nhưng vẫn cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về cách một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly, lời khuyên rõ ràng hơn về cách bảo vệ những người có nguy cơ và cải thiện xét nghiệm và truy vết.
Bà Isabelle Eckerle, GS tại Trung tâm Geneva về các bệnh virus mới nổi ở Thụy Sĩ cho biết: “Nếu đậu mùa khỉ trở thành dịch bệnh lưu hành (ở nhiều quốc gia hơn), chúng ta sẽ mắc phải một căn bệnh khó chịu khác và nhiều quyết định sẽ trở nên khó thực hiện”.
Mới đây, TS. Sylvie Briand, Giám đốc quản lý nguy cơ lây nhiễm toàn cầu tại WHO thừa nhận về sự lây lan “bất thường” của virus đậu mùa khỉ. Tuy nhiên vị chuyên gia này nói rằng: “Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh này. Chúng tôi biết rằng sẽ có nhiều trường hợp hơn trong những ngày tới. Đây không phải là một căn bệnh mà công chúng phải lo lắng. Nó không phải là Covid-19 hay các bệnh lây lan nhanh khác”.
Việc WHO xác định đợt bùng phát này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu – như đã xảy ra với Covid-19 hoặc Ebola – sẽ có thể giúp đẩy nhanh nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn dịch bệnh. Ông Mike Ryan – giám đốc chương trình khẩn cấp sức khỏe của WHO, cho biết bên lề cuộc họp thường niên của cơ quan này tại Geneva (Thụy Sĩ): “Vấn đề này luôn được xem xét, nhưng chưa có ủy ban khẩn cấp nào”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không có khả năng WHO sẽ sớm đưa thành lập một ủy ban khẩn cấp để đối phó với bệnh đậu mùa khỉ, bởi vì bệnh này vốn đã là một mối đe dọa được biết đến từ lâu mà thế giới cũng đã có công cụ để chống lại. Việc đưa ra thảo luận có nên thành lập một ủy ban khẩn cấp hay không thực tế chỉ là một phần trong phản ứng thông thường của cơ quan này.
Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm làm việc ở WHO, cho biết có thể kiểm soát sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ ở một số nước phương Tây. “Sự lây truyền xảy ra khi tiếp xúc gần gũi – da kề da. Vì vậy, đậu mùa khỉ khá khác với Covid-19,” bà Van Kerkhove nói.
Còn TS. David Heymann, cố vấn hàng đầu của WHO, cho hay: “Đây không phải là Covid-19. Virus đậu mùa khỉ không lan truyền trong không khí”. Trong đa số các ca đậu mùa khỉ, triệu chứng sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Bên cạnh đó, đây không phải là một loại virus mới. Giới chuyên môn đã biết về đậu mùa khỉ trong nhiều năm và hiểu rõ về cấu tạo cũng như quá trình nhân lên của virus gây bệnh.
Loại virus này lây lan chậm hơn SARS-CoV-2. Hầu hết bệnh nhân đều biểu hiện các triệu chứng, bao gồm phát ban, dễ nhận biết hơn một số triệu chứng mơ hồ của Covid-19. Như vậy, sẽ dễ dàng xác định những người nhiễm bệnh để tiêm chủng hoặc cách ly. Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay không có khả năng gây ra một đại dịch tương tự như SARS-CoV-2.
Trong khi đó, GS. Eckerle kêu gọi WHO khuyến khích các quốc gia áp dụng các biện pháp cách ly phối hợp và nghiêm ngặt hơn ngay cả khi không có tuyên bố khẩn cấp. Bà cho rằng việc WHO cho biết virus này không nguy hiểm, cũng như sự sẵn có của vaccine và phương pháp điều trị ở một số quốc gia, “có khả năng dẫn đến hành vi lười biếng của các cơ quan y tế công cộng”.
Theo vneconomy.vn