Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế vừa được Bộ Y tế ban hành đã bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người nhiễm Covid-19.
Theo đó, đối tượng cấp là người nhiễm Covid-19 điều trị nội trú/ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 như bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19, trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19.
Người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh nêu trên hoặc người được người đứng đầu uỷ quyền là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
Về trình tự cấp giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là sau khi kết thúc điều trị, người bệnh được cấp hai loại giấy tờ này. Các giấy đã cấp trước ngày 15/2/2023 không đúng mẫu thì sẽ được cấp lại.
Người lao động đã điều trị Covid-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện/giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì căn cứ đề nghị của người này và hồ sơ bệnh án để cấp một trong hai loại giấy này cho người bệnh.
Người bệnh sau khi ra viện, trong giấy ra viện có ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú/thời gian cách ly thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian ghi trong giấy ra viện.
Người bệnh sau khi ra viện, trong giấy ra viện không ghi thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng người bệnh phải cách ly thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly.
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 4111/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng chịu trách nhiệm cấp, hoặc cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh.
Thông tư cũng nêu rõ, một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết, hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định…
Trước đó, trong năm 2022, Bộ Y tế từng đề xuất Chính phủ công nhận 7 loại giấy tờ để người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, lí do là khi đối chiếu với quy định của các văn bản Luật thì 7 loại giấy tờ được đề xuất chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản luật có liên quan khác. Vì vậy, Bộ này chưa có cơ sở pháp lý để đưa vào hướng dẫn trong dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Hiện nay theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, người lao động hưởng chế độ ốm đau thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc, hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc, mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc, thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Đối với người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành, hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Theo vneconomy.vn