Ngày 11/12/2022, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật phối hợp với Phòng khám Đa khoa Hoàng Long đã tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề: “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hoá và gan mật”.
Sự kiện nhằm tổng kết và đánh dấu 4 năm hoạt động nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa và gan mật. Hội nghị đã cập nhật nhiều thông tin khoa học và giới thiệu một số kỹ thuật mới ứng dụng trong nội soi, quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật.
Trong Báo cáo tổng kết hoạt động nghiên cứu và đào tạo 4 năm của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hoá, Gan mật, Giáo sư, Tiến sỹ Đào Văn Long, cho biết thời gian qua, Viện đã cố gắng nghiên cứu và phát triển những kỹ thuật mới. Năm 2022, Viện cùng với Phòng khám đa khoa Hoàng Long đã thực hiện hai đề tài cấp nhà nước, một số đề tài hợp tác quốc tế. Phòng khám Hoàng Long đã khám và điều trị cho trên 20.000 bệnh nhân, áp dụng nhiều biện pháp mới và nội soi để điều trị cho bệnh nhân.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hoá, Gan mật cũng là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển, phát hiện tổn thương đại trực tràng và một số bệnh lý của đường tiêu hóa trên. Theo PGS.TS.BS Đào Việt Hằng, Bộ môn Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Nội soi, Bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu và đào tạo Tiêu hóa, gan mật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của các nhà nội soi trên toàn thế giới.
Mối quan tâm về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nội soi xuất phát từ câu chuyện tỷ lệ bỏ sót tổn thương. Đối với nội soi đại tràng, tỷ lệ bỏ sót polyp và u tuyến đại tràng ước tính theo các nghiên cứu là từ 20-47%. Nghiên cứu theo dõi trên 130.000 bệnh nhân tại Anh đã chứng minh được là cứ tăng 1% tỷ lệ phát hiện, thì giúp giảm 3% nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng.
Đây chính là lý do vì sao các bác sĩ trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa vô cùng quan tâm đến việc cải thiện tỷ lệ phát hiện tổn thương. Tuy nhiên, kết quả nội soi lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chất lượng hệ thống máy móc đến quy trình của từng đơn vị y tế, kinh nghiệm nghề nghiệp. Vì vậy, giải pháp sử dụng công nghệ, chẳng hạn như hệ thống máy nội soi hiện đại, các thiết bị hỗ trợ thêm để tăng phát hiện tổn thương, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Từ năm 2018, đã có những nghiên cứu, công bố liên quan đến việc sử dụng các cái thuật toán AI để phát hiện các cái mốc giải phẫu trong đường tiêu hóa, đánh giá mức độ nội soi. Hiện nay, thế giới đã có các sản phẩm thương mại hóa và có các nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của việc áp dụng thuật toán này.
Hội nội soi tiêu hóa châu Âu chính là một trong những hội nội soi tiêu hóa tiên phong trên thế giới đưa ra mô hình sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa và sử dụng theo một số cách khác nhau, có thể sử dụng hậu kiểm để đánh giá về chất lượng hoặc có thể sử dụng song song để các bác sĩ tăng tỷ lệ phát hiện tổn thương ngay trong quá trình làm nội soi.
Đối với nội soi đại tràng, hiện đã có những sản phẩm ứng dụng AI và được thương mại hóa trên thị trường. Các công ty nội soi lớn như Fujifilm, Pentax Medical, Olympus đều đã đưa công nghệ AI vào chế độ chức năng của hệ thống nội soi. Một số công ty khác lại sử dụng AI như một hệ thống độc lập, lắp đặt trong các máy nội soi khác nhau.
Các tổ chức trên thế giới như FDA của Mỹ hay tổ chức y tế của châu Âu, Nhật Bản đều đã công nhận việc sử dụng các hệ thống máy ứng dụng AI. Các hệ thống máy nội soi đại tràng đều có chung một cái cách tiếp cận giúp phát hiện tổn thương và phân loại xem đó là u lành tính hay ác tính.
Tuy nhiên, chi phí ứng dụng các hệ thống máy móc ứng dụng công nghệ AI khá cao. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo và tăng tỷ lệ phát hiện tổn thương, liệu có giúp tiết kiệm chi phí, điều chỉnh chi phí sàng lọc cho người bệnh hay không. Nhóm tác giả tại Mỹ đã tiến hành khảo sát với các đối tượng bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giảm trung bình 7.194 ca mắc ung thư, giảm 2.089 ca tử vong, tiết kiệm 290 triệu USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, vấn đề đánh giá khả năng tương tác của các bác sĩ với công nghệ AI cũng được đặt ra nhằm tăng khả năng chấp nhận của bác sĩ đối với công nghệ mới. PGS.TS.BS Đào Việt Hằng cho biết hiện đang có một nghiên cứu dự kiến sẽ tiến hành trên 220.000 bệnh nhân ở rất nhiều quốc gia khác nhau, để đánh giá hiệu quả thật sự cũng như tính kinh tế khi ứng dụng công nghệ AI vào nội soi. Bởi vì, khi xây dựng các thuật toán, phải tính đến câu chuyện bằng chứng khoa học, độ chính xác, khả năng thích ứng trong điều kiện lâm sàng, sự chấp nhận của các bên cũng như khả năng tích hợp của các đơn vị.
Tại Việt Nam, khảo sát cho thấy xuất phát từ nhu cầu, các bác sĩ trong lĩnh vực nội soi đều mong muốn có sự lưu thông về mặt dữ liệu, có sự hỗ trợ của AI trong thực hành cũng như trong nghiên cứu, đào tạo.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi không chỉ phù hợp với xu thế chuyển đổi số, y tế 4.0 mà còn là hướng đi cần thiết giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn lực y tế đang thiếu hụt. PGS.TS.BS Đào Việt Hằng cho biết hiện nay Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật cũng có một số sản phẩm trải nghiệm tích hợp AI, như CADEYE của Fujifilm, hay hệ thống thiết bị tự phát triển dựa trên một dự án phối hợp với Đại học Bách khoa. Hy vọng trong quý 1/2023, hệ thống có thể được tiến hành nghiên cứu ở trên người bệnh, để có những cái kết quả xác đáng nhất.
Theo vneconomy.vn