Tự chủ bệnh viện: Đảm bảo bình đẳng cho người dân trong khám chữa bệnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh nội dung này trong cuộc làm việc với Bộ Y tế ngày 9/2 về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, đầu thấu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế và một số nội dung quan trọng khác.

XÁC ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT CẤP BÁCH

Tại cuộc làm việc, thông tin về  việc mua sắm thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, năm 2021-2022, Bộ đã thực hiện mua sắm danh mục 50 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, 69 thuốc biệt dược gốc áp dụng hình thức đàm phán giá. Tại địa phương, việc đấu thầu tập trung do đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương thực hiện (129 danh mục). Các cơ sở y tế tự thực hiện mua sắm các thuốc còn lại.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc cung ứng, mua sắm một số loại thuốc, nhất là thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm tại một số cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị cho người dân.

Cụ thể, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định “cứng” trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực quản lý, thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành còn thiếu; chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao… 

Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo bảo đảm nguồn cung đối với một số thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế; thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập thuốc quốc gia, đàm phán giá…

Với những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược. Đồng thời, cho phép xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị của các cơ sở y tế; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước…

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.

“Đơn cử, mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hoá trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị ngành Y tế tiếp tục làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế, giải ngân vốn đầu tư công….Từ đó xác định những vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lý một cách căn cơ, bài bản.

CÓ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO NGÀNH Y TẾ

Theo Phó Thủ tướng, cơ chế, chính sách về y tế sau đại dịch Covid-19 bộc lộ nhiều hạn chế, cần có sự đổi mới, nhất là lĩnh vực y tế dự phòng, bảo đảm tính năng động, sáng tạo, có khả năng chống chịu với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh - Trần Minh.
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh – Trần Minh.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế phải rà soát cụ thể từng điều, khoản, thông tư, nghị định, luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hoá, mua sắm, đấu thầu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng được những chính sách cốt lõi, năng động, có tính chất đặc thù, riêng biệt để thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong giai đoạn khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, tạo sự gắn kết giữa y tế công lập với y tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ…

“Nhiều vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là do thiếu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, minh bạch, mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, chưa phù hợp với quy luật thị trường, trong khi đây là trách nhiệm của Bộ Y tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy, ông yêu cầu Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những nghị định, thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, đề xuất phương án một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định đối với những vấn đề cấp bách.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế, đồng thời, sớm đề xuất, chủ động xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành y tế.

Đối với vấn đề tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tổng kết, đánh giá toàn diện các mô hình đã có, cả thành công, hiệu quả cũng như bài học kinh nghiệm rút ra, làm cơ sở để tiếp tục triển khai chủ trương này cùng với thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và các chính sách khuyến khích xã hội hoá y tế, hợp tác công – tư…

“Tự chủ bệnh viện phải bảo đảm công bằng, bình đẳng của người bệnh khi sử dụng dịch y tế được bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập của y bác sĩ; phù hợp với quy luật thị trường. Bộ Y tế cần thúc đẩy tự chủ bệnh viện mức độ cao tại những đô thị, địa bàn có điều kiện về kinh tế để dành nguồn lực cho các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Một vấn đề khác nữa cũng được Phó Thủ tướng đề cập là việc Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024, do đó, đề nghị Bộ Y tế sớm báo cáo với Chính phủ về kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện như nghị định, thông tư.

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC