Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới

Thủ tướng Chính phủ nêu vấn đề này trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về chế độ chính sách với cán bộ y tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chất vấn Thủ tướng Chính phủ về thực tế hiện nay cho thấy, chế độ chính sách dành cho cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống để cán bộ y tế yên tâm công tác và cống hiến. Hầu hết tại khu vực công, cán bộ y tế đều đang hưởng lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các chế độ phụ cấp theo lương, mức này rất thấp, không đảm bảo cuộc sống cho người cán bộ y tế.

Theo đại biểu, đối với bác sĩ vì thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành nghề khác (6 năm), sau ra trường phải thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề, trong quá trình hành nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức ngắn hạn và dài hạn với kinh phí khá cao…

Trong khi đó, mức lương khởi điểm của các chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học đều được đánh đồng theo mức bậc 1, hệ số 2,34 x mức lương cơ sở là chưa thực sự phù hợp. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, nhằm giải quyết vấn đề nêu trên.

THU NHẬP CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ CÓ CẢI THIỆN SO VỚI CÁC NGÀNH NGHỀ KHÁC

Về nội dung chất vấn nêu trên, tại công văn 516/TTg-KTTH, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức nói chung và viên chức ngành y tế nói riêng đang được thực hiện chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, các chế độ áp dụng chung đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức; được thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu).

Họ cũng được hưởng các chế độ phụ cấp theo vị trí công việc đảm nhiệm và theo địa bàn công tác, gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác; phụ cấp khu vực; phụ cấp đặc biệt; phụ cấp thu hút và phụ cấp lưu động.

Được hưởng các chính sách khi công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP; được thực hiện chế độ tự chủ về tài chính và trả lương tăng thêm theo Nghị định số 60/2021 /NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài các chế độ áp dụng chung đối với viên chức nêu trên, viên chức ngành y tế còn được áp dụng các chế độ đặc thù như: Được rút ngắn thời gian tập sự còn 9 tháng (quy định chung là 12 tháng) do đặc thù về thời gian đào tạo dài (6 năm đối với bác sĩ); được xếp lương cao hơn khi tuyển dụng lần đầu đối với bác sĩ nội trú (xếp bậc 2 hệ số lương 2,67 của chức danh bác sĩ).

Được hưởng các chế độ đặc thù, gồm: chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và Nghị định số 05/2023/NĐ-CP; phụ cấp thường trực, phụ cấp chống dịch, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg; chế độ đối với bác sĩ trong thời gian đi luân phiên quy định tại Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg; chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg.

Như vậy, tổng thu nhập của viên chức ngành y tế (bao gồm các chế độ áp dụng chung đối với viên chức và các chế độ đặc thù nêu trên) là có cải thiện hơn so với ngành, nghề khác, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành y tế.

NGHIÊN CỨU, HOÀN THIỆN CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG CHO NHÂN VIÊN Y TẾ

Về việc sửa đổi Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, chế độ tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (trong đó có viên chức ngành y tế) thực hiện từ năm 2004 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập và còn thấp so với mặt bằng thu nhập trên thị trường lao động và yêu cầu cuộc sống của người hưởng lương. 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập này, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Trong đó đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời chỉ đạo việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh và các chế độ phụ cấp,… đối với cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có viên chức ngành y tế), để làm cơ sở xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP nêu trên.

Tuy nhiên, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nên chưa đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương.

Thủ tướng cho biết, trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1/7/2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Đồng thời, giao Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của đại biếu Quốc hội, của cử tri và của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó có ý kiến của đại biểu về tiền lương của viên chức ngành y tế, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC