Kết luận này được rút ra từ một nghiên cứu quy mô lớn tại Scotland và vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Nghiên cứu do Đại học Glasgow dẫn đầu nhằm đánh giá sự ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 đối với sức khẻo con người. Nhóm nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu vào tháng 5/2021 đối với 33.281 người được xác nhận mắc Covid-19 và gần 63.000 người chưa mắc bệnh. Cả 2 nhóm tham gia trả lời các bảng câu hỏi lúc 6, 12 và 18 tháng sau đó.
Kết quả cho thấy 6% số bệnh nhân cảm thấy vẫn còn các triệu chứng bệnh, gần 50% số bệnh nhân cho rằng họ chỉ phục hồi một phần sau 6-18 tháng được chẩn đoán mắc bệnh. Trong khi đó, các bệnh nhân không triệu chứng dường như không gặp phải các triệu chứng Covid-19 kéo dài.
Theo nghiên cứu, những nhóm có nguy cơ cao gặp phải hội chứng Covid-19 kéo dài bao gồm các bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, người cao tuổi, nữ giới, người có thu nhập thấp và những người có sẵn bệnh nền. Các triệu chứng dai dẳng thường gặp nhất bao gồm khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh, sương mù não và giảm trí nhớ. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện việc tiêm vaccine phòng Covid-19 dường như giúp ngăn các triệu chứng kéo dài.
Trưởng nhóm nghiên cứu Jill Pell cho biết nghiên cứu trên có vai trò quan trọng, giúp chúng ta hiểu hơn về hội chứng COVID-19 kéo dài ở dân số nói chung, chứ không chỉ ở những người mắc bệnh cần nhập viện.
Trước đó, nghiên cứu của CDC Mỹ công bố cũng cho thấy cứ 5 người khỏi bệnh Covid-19 (trong độ tuổi từ 18-64) sẽ có 1 người chịu ít nhất 1 triệu chứng Covid-19 kéo dài, trong khi đó Hội chứng Covid-19 kéo dài có khá nhiều triệu chứng khác nhau.
Còn tại Việt Nam, một kết quả khảo sát đánh giá tình trạng hậu Covid-19 đối với người lao động trẻ Việt Nam do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, vừa công bố cho thấy đa phần bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu Covid-19 từ 2 – 5 tháng (chiếm 68%). Tuy nhiên, có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 nhiều hơn 5 tháng và khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Khảo sát này được tiến hành trên 17.000 người dân tham gia chương trình khám bệnh chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 trong Hành trình Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng trong tháng 5/2022.
Cũng theo khảo sát trên, bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu Covid-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần như (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ, …) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở).
Nghiên cứu cũng chỉ ra mức độ và thời gian bị triệu chứng Covid-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị mắc Covid-19 (chỉ 2% dương tính với SARS-CoV-2 nhiều hơn 14 ngày), hay mức độ nghiêm trọng khi bị nhiễm Covid-19 (có triệu chứng nặng và nhập viện khi bị mắc Covid-19 dưới 10%).
Đáng nói là tỉ lệ nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới về khả năng bị Covid-19 kéo dài (nữ 64,63% và nam 35,37%). Ngoài ra, với nhóm lao động trẻ, bệnh nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng hậu Covid-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền). Có tới 70,80% bệnh nhân có ý thức tự rèn luyện sức khỏe (tập thể dục, tập thở) sau khi bị nhiễm Covid-19.
Qua phân tích cho thấy đối với bệnh nhân giới tính nam, có thời gian mắc Covid-19 trên 14 ngày, hút thuốc lá, uống rượu bia và không tập thể dục đều sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu Covid-19.
Để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng lao động này cũng chính là đảm bảo nguồn lực con người phát triển đất nước, đòi hỏi các ngành, các cấp đều cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân phục hồi hậu Covid-19. Đặc biệt, những vấn đề cấp thiết như vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, trường học, doanh nghiệp còn mỏng, cần có các giải pháp hỗ trợ và mở rộng bao phủ can thiệp.
Nhóm nghiên cứu đề xuất cần hỗ trợ chính sách, thúc đẩy xã hội hóa y tế giúp mọi người dân đều có điều kiện kiểm tra chức năng hô hấp và tăng cường hướng dẫn, phổ biến những bài tập phục hồi chức năng hô hấp.
Đối với người dân mắc Covid-19 và có triệu chứng hậu Covid-19, nhóm nghiên cứu khuyến cáo, người dân cần tăng cường vận động thể chất và dinh dưỡng hợp lý.
Tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống, tránh tự sử dụng thuốc không chỉ định (đặc biệt là kháng sinh), tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nam, thuốc dân tộc chưa được Bộ Y tế khuyến nghị cho điều trị hoặc hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19;
Theo dõi thể trạng, lưu ý những hội chứng hiếm (tự miễn dịch, đau ngực kéo dài, …) nhưng cũng tránh hoang mang, tìm đến cơ sở y tế khi không cần thiết.
Triệu chứng mới hoặc tiếp diễn: Một số người mắc “Hội chứng Covid-19 kéo dài” có thể có những triệu chứng mới hoặc tiếp diễn kéo dài nhiều tháng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Vấn đề hô hấp: ho, khó thở
- Vấn đề về tim mạch: đau tức ngực, nhịp nhanh, nhịp nhanh kèm tụt huyết áp tư thế (PoTS – postural orthostatic tachycardia syndrome)
- Vấn đề về thể lực: mệt mỏi, giảm sức bền khi vận động
- Vấn đề về trí lực: khó tập trung (brain fog), lú lẫn
- Vấn đề về thần kinh: cảm giác châm chích, dị cảm, mất vị giác, khứu giác
- Thay đổi tâm sinh lý: lo lắng, hồi hộp, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ
- Đau cơ, khớp
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- Rụng tóc
Theo vneconomy.vn