Bảo đảm không có “lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách y tế

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh yêu cầu này trong Chỉ tị số 05 vừa được ban hành về tăng cường công tác pháp chế trong ngành y tế.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người bệnh, người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số đơn vị chưa đặt công tác hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, nhân lực làm công tác pháp chế còn thiếu, chưa đồng đều; chất lượng một số văn bản pháp luật chưa cao; còn tình trạng chậm tiến độ ban hành văn bản; công tác theo dõi thi hành pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thể chế trong quản lý nhà nước, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc nâng cao chất lượng xây dựng văn bản, bám sát chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch.

Đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chủ động cung cấp thông tin trong quá trình xây dựng văn bản để tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp; không tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoặc có những sơ hở bị lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân, bảo đảm không có “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” trong tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật.

Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến, chú trọng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của văn bản, nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện văn bản.

Các đơn vị cũng cần tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, thực hiện phân công nhiệm vụ rõ ràng, phân cấp, phân quyền triệt để, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế. 

Đặc biệt, chủ động, thường xuyên rà soát pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, phát hiện những vướng mắc, bất cập, sơ hở, dễ làm phát sinh tiêu cực để đề xuất sửa đổi, bổ sung; tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Có giải pháp cụ thể để xây dựng, bố trí, điều động, luân chuyển công chức có năng lực làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế. 

Đối với các Sở Y tế tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị cần chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân nhân tỉnh trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch; chủ động, kịp thời tham mưu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật cần thiết trong lĩnh vực y tế để đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương;

Đồng thời, cần tăng cường nghiên cứu, rà soát, tổng kết, đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để kịp thời khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn; chủ động, tích cực tham gia ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế đối với các dự thảo văn bản pháp luật được lấy ý kiến.

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, cơ chế tự chủ, xã hội hóa, liên doanh, liên kết.

“Những quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã đầy đủ, rõ ràng thì phải tổ chức thực hiện khẩn trương, kịp thời, không để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh”, chỉ thị nêu rõ. 

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC