Bảy thách thức của Y tế TP. HCM sau đại dịch

Báo cáo công tác y tế 9 tháng năm 2022, Sở Y tế TP. HCM chỉ ra nhiều khó khăn và thách thức của Ngành Y tế thành phố giai đoạn sau đại dịch.

NHÂN VIÊN Y TẾ NGHỈ VIỆC TIẾP TỤC GIA TĂNG

Theo Sở Y tế TP. HCM, khó khăn thứ nhất mà ngành Y tế thành phố phải đối mặt là một số đơn vị sự nghiệp y tế không có nguồn kinh phí để thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND làm cho một bộ phận nhân viên y tế công lập không nhận được thu nhập tăng thêm, số nghỉ việc tiếp tục gia tăng.

Khó khăn thứ 2 là tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế công lập có chiều hướng gia tăng, trong đó, đáng lo ngại là số điều dưỡng nghỉ việc tăng, dẫn đến tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại một số bệnh viện công lập đang có xu hướng giảm dần, điều này ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh. Hiện nay, một số bệnh viện đang gặp khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho số điều dưỡng đã nghỉ việc.

Khó khăn thứ 3 là một số trạm y tế phường, xã chưa thật sự thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu. Một trong những nguyên nhân chính đó là trung tâm y tế quận, huyện đấu thầu không đủ loại thuốc và danh mục thuốc cho hoạt động khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, nhất là công tác chăm sóc và quản lý bệnh không lây tại cộng đồng do không đủ các loại thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh này như ở bệnh viện tuyến huyện.

Khó khăn thứ 4 là các bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn trong cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh (như bãi giữ xe, căn tin, …) do phải chờ Sở Tài chính thẩm định và UBNDTP phê duyệt theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Khó khăn thứ 5 là người dân mắc các bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm, bị chấn thương hoặc mắc các bệnh thuộc chuyên khoa chấn thương chỉnh hình còn gặp nhiều khó khăn khi đến các bệnh viện chuyên khoa Tâm thần, Bệnh Nhiệt đới, Chấn thương chỉnh hình để khám, chữa bệnh. Lí do là cơ sở hạ tầng của các bệnh viện này xuống cấp, quá tải; hệ thống các cơ sở y tế của thành phố Thủ Đức chưa xứng tầm mô hình phát triển thành phố trong thành phố.

Khó khăn thứ 6 là tình hình tự chủ tài chính của hầu hết các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gặp rất nhiều khó khăn, khi giá viện phí chưa được tính đủ các yếu tố cấu thành, số lượt khám, chữa bệnh giảm giai đoạn sau đại dịch Covid-19 càng làm mất cân đối chênh lệch thu-chi của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện đa khoa.

Khó khăn thứ 7 là nhiều bệnh viện chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí điều trị vượt tổng mức thanh toán, càng làm cho tình trạng mất cân đối thu chi gia tăng, làm tăng thời gian giải quyết công nợ thuốc, vật tư y tế theo quy định.

CÓ CHÍNH SÁCH TĂNG THU NHẬP CHO NHÂN VIÊN Y TẾ

Để giải quyết các khó khăn, trong đó về một số đơn vị sự nghiệp y tế không có nguồn kinh phí, Sở Y tế TP. HCM đề xuất từ năm 2022, thành phố cấp kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp y tế khi có hệ số thu nhập tăng thêm của năm dưới 1,2 theo Nghị định 43 và Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND, với điều kiện bình quân hệ số thu nhập tăng thêm theo Nghị định 43 và Nghị quyết 03 của 3 năm trước liền kế dưới 1,8.

Mức hỗ trợ là số được bổ sung dự toán bằng số chênh lệch giữa số phải chi tính theo hệ số 1,2 và số đơn vị trích lập sau khi trừ đi số dư Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư thực tế (nếu có) đến hết năm đó.

Ước tính số tiền ngân sách phải cấp bổ sung năm 2022 để thực hiện chính sách này là 209 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị cho phép mở rộng đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03 bao gồm tất cả viên chức, người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao và theo đề án vị trí việc làm của đơn vị. Ước tính số tiền ngân sách phải cấp bổ sung năm 2022 để thực hiện chính sách này là 305 tỷ đồng.

Nhân viên y tế chăm sóc người bệnh. Ảnh - Đình Anh. 
Nhân viên y tế chăm sóc người bệnh. Ảnh – Đình Anh. 

Để khắc phục tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, đặc biệt là thiếu hụt điều dưỡng, Sở Y tế đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng. Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm cho tất cả điều dưỡng hiện đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc thành phố, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn.

Sở Y tế cũng kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế và Bộ Nội vụ gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030.

Đồng thời, thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ học phí để kích thích học sinh đăng ký học ngành điều dưỡng làm tăng số lượng đầu vào cho các trường đào tạo điều dưỡng trên địa bàn thành phố. Kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

Đối với vấn đề thiếu thuốc, Sở Y tế kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố cho phép mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương theo hướng đảm bảo đủ thuốc cho y tế cơ sở; kiến nghị Bộ Y tế chấp thuận cho thành phố triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho trạm y tế đối với 41 loại thuốc thuộc danh mục thuốc của bệnh viện hạng III, IV theo Thông tư số 30.

Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở và tăng sự hài lòng của người dân khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC