Tọa đàm với chủ đề: “Ngành y vượt khó”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 23/2 đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện các bệnh viện, chuyên gia.
CHƯA TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ ĐƯỢC GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết ngành y tế hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó phải kể đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập, đặc biệt là những cán bộ y tế có tay nghề cao, có kinh nghiệm…
Từ thực tế cơ sở, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thừa nhận ngoài những khó khăn chung của ngành, bệnh viện còn gặp nhiều vướng mắc khác. Đơn cử, sau 3 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn nội tại, ví dụ như vấn đề vướng vào pháp lý của các lãnh đạo tiền nhiệm và sau đó là dịch bệnh.
Một câu chuyện nữa là vấn đề giá viện phí, dù được tự chủ toàn diện nhưng thực tế giá viện phí vẫn tuân thủ quy định của luật pháp hiện hành. Hiện tại chỉ có một quy định về giá khám chữa bệnh bằng giá của bảo hiểm y tế. Ví dụ, giá siêu âm ổ bụng cho người bệnh thì các bệnh viện thu giá dịch vụ khám theo yêu cầu từ 110.000-150.000 đồng. Tuy nhiên, hiện tại bệnh viện thu bằng giá của bảo hiểm y tế là 43.900.
“Với Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại số lượng bệnh nhân rất đông, mỗi ngày có thể đến 8.000-10.000 người dân đến khám. Số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày. Tuy nhiên, tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang được thu bằng giá của bảo hiểm y tế. Hiện bệnh viện vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ, Bộ Y tế về việc phân nhóm tự chủ”, GS.TS Đào Xuân Cơ nói và cho rằng, hiện tại không có một cơ chế nào giúp cho Bạch Mai thu giá đúng, đủ.
Theo GS.TS Đào Xuân Cơ, khó khăn về tài chính nên hiện bệnh viện đã phải sử dụng nguồn ngân sách (nguồn quỹ phát triển sự nghiệp) tiết kiệm được trong hơn 10 năm qua để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên. Việc tự chủ toàn diện trong 3 năm qua cũng khiến bệnh viện không được đầu tư về xây dựng cơ sở, mua sắm thiết bị, các tòa nhà xuống cấp trầm trọng không thể duy tu bảo dưỡng được nữa và không đảm bảo công tác khám chữa bệnh…
KHÔNG CHỈ CẦN TIỀN, BỆNH VIỆN CÒN CẦN CƠ CHẾ
Có thời gian theo dõi ngành y tế, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội), cho rằng quy định phải tính đúng, tính đủ về chi phí khám chữa bệnh nhưng trong thực tiễn chưa làm được. “Tôi theo dõi và thấy rằng có những lần tiền lương cơ sở được điều chỉnh, nhưng hàng năm sau dịch vụ y tế đều không điều chỉnh theo tiền lương cơ sở đó. Tức là lương cơ sở 1.300.000 đồng khi điều chỉnh lên 1.490.000 đồng, thì chúng ta phải điều chỉnh ngay, đưa vào giá, chi phí dịch vụ để bảo đảm đời sống, bảo đảm thu nhập giữa các cơ sở khám chữa bệnh”, ông Lợi dẫn chứng.
Theo ông Lợi, vì không tính đúng, tính đủ nên các cơ sở khám chữa bệnh không có nguồn thu, dẫn đến không có tiền lương, không có thu nhập, đời sống của cán bộ, nhân viên y tế khó khăn.
Đối với vấn đề tự chủ, ông Lợi cho rằng giao quyền tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh, nhưng các cơ sở đó không đủ điều kiện thì không tự chủ toàn phần được. Theo ông, tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh phải lưu ý 3 vấn đề, đó là: các bệnh viện tuyến Trung ương có nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, thì phải chi trả cho bệnh viện; hai là, phải thực hiện an sinh xã hội; ba là đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại không thể lấy việc bệnh viện tính đúng, tính đủ để mua được các thiết bị đó.
Đặc biệt, vấn đề quan trọng là hoàn thiện cơ chế, chính sách cho ngành y tế. Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, song theo ông Lợi, nếu không ra các văn bản hướng dẫn thì sẽ tiếp tục ách tắc. “Rất nhiều văn bản do sự phối hợp giữa các ngành không đồng bộ nên khi ban hành gặp vướng mắc, các cơ sở khám chữa bệnh lại khó khăn. Vậy về mặt thể chế, chúng ta phải giải quyết sao cho minh bạch”, ông Lợi nhấn mạnh.
GS.TS Đào Xuân Cơ cũng khẳng định đối với các bệnh viện, bên cạnh việc cung cấp nguồn ngân sách thì cái chính là cần cơ chế. “Chúng ta vướng cơ chế và vướng các văn bản pháp quy”, ông Cơ nói và mong muốn các ngành chức năng các sớm vào cuộc giúp ngành y tế, các bệnh viện có các văn bản pháp quy hợp lý, tạo hành lang pháp lý chuẩn để bệnh viện “tự tin” khám chữa bệnh.
Trước những vướng mắc của các bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định Bộ sẽ tập trung giải quyết. Đối với vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, Nghị quyết 80 của Quốc hội được ban hành đã cho phép gia hạn đăng ký thuốc đến hết năm 2024. Trong khoảng thời gian này, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80. Trước mắt, Cục Quản lý dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc.
Về vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn về việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế của năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng.
Hiện tại, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để hướng dẫn các cơ sở thanh toán nợ đọng bảo hiểm y tế từ năm 2018 – 2021. Nợ đọng này đã được cơ quan bảo hiểm thẩm tra tại các cơ sở y tế nhưng do những nguyên nhân khách quan khác nhau mà chưa được thanh toán.
Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã thống nhất rà soát để thanh quyết toán số kinh phí này cho các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. “Tổng kinh phí chúng tôi rà soát bước đầu khoảng 2.500 tỷ. Như vậy, nếu cả giai đoạn 2018 – 2021 thanh quyết toán được tất cả cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, thì tổng kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng đây là nguồn lực rất lớn để các cơ sở y tế tái cấu trúc lại trong quá trình cung ứng thuốc, vật tư cũng như đảm bảo công tác chi thường xuyên để duy trì hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin.
Theo vneconomy.vn