Bộ Y tế lý giải về việc chuyển thông điệp chống dịch từ 5K thành 2K

Bộ Y tế mới đây thông báo sửa đổi thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 từ 5K thành 2K gồm Khẩu trang và Khử khuẩn phù hợp với tình hình mới. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã trao đổi với báo chí để làm rõ hơn những thay đổi này.

Tại sao Bộ Y tế lại quyết định chuyển từ thông điệp 5K sang 2K, điều này có ý nghĩa như thế nào trong vấn đề chống dịch trong giai đoạn tiếp theo, thưa bà?

Dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay đã cơ bản được kiểm soát và chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, các biện pháp phòng, chống dịch dần được nới lỏng.

Trong tháng 4/2022, Bộ Y tế đã thông báo tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu Việt Nam đối với người nhập cảnh cũng như khách nội địa, các hoạt động tập trung đông người hiện nay cũng đã được phép diễn ra trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, có xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, do đó chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe của người dân.

Vì vậy, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất và Bộ Y tế là cơ quan chủ trì để thực hiện, xây dựng các thông điệp truyền thông, công thức phòng chống dịch 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác.

Trong thông điệp 5K tại sao chúng ta chỉ giữ lại Khẩu trang và Khử khuẩn, thưa bà?

Như tôi đã nói, hiện nay dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, chúng ta chuyển sang quản lý bền vững, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, tạo điều kiện mở cửa đất nước cũng như phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định đời sống của người dân.

Vì vậy, các yêu cầu về tập trung đông người, không tụ tập đã có những điều chỉnh để phù hợp với định hướng nêu trên, chúng ta vẫn tiếp tục giữ lại việc đeo khẩu trang cũng như khử khuẩn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Đeo khẩu trang ở các cơ sở y tế, khu cách ly, những địa điểm mà có nguy cơ lây nhiễm cao, các khu vực công cộng khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế, còn các khu vực cũng như địa điểm khác vẫn khuyến khích người dân đeo khẩu trang theo yêu cầu của địa phương cũng như cơ quan, đơn vị tại địa điểm đó.

Thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Ảnh - Bộ Y tế. 
Thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Ảnh – Bộ Y tế. 

Khi đưa ra những khuyến cáo này, Bộ Y tế đã dựa trên tình hình thực tế hay những căn cứ nào?

Việc đưa ra các khuyến cáo phòng, chống dịch này là căn cứ vào thực tế cũng như kinh nghiệm qua hơn 2 năm phòng, chống dịch, cũng như căn cứ vào diễn biến tình hình dịch, yêu cầu đòi hỏi vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, hòa nhập với các nước trên thế giới và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Chúng tôi cũng đã lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như các bộ, ngành, địa phương. Các ý kiến đều thống nhất với việc thực hiện 2K + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác.

Thưa bà, khi chuyển hướng như vậy thì kịch bản chống dịch trong giai đoạn mới có thay đổi gì hay không?

Chúng tôi đang xây dựng theo hai tình huống. Tình huống thứ nhất là vẫn tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không xuất hiện các biến chủng mới, hoặc biến chủng mới không gây ra những tác động nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cộng đồng cũng như các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Với tình huống này chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp như hiện nay.

Còn tình huống thứ hai là dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá tầm kiểm soát của hệ thống y tế, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt là có sự xuất hiện của các biến chủng mới làm dịch bệnh lây lan nhanh và mạnh, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe thì chúng ta sẽ thực hiện các kịch bản, biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn theo cấp độ 3, 4.

Hiện nay đã có hướng dẫn phân loại dịch theo các cấp độ từ 1 – 4, căn cứ vào các cấp độ dịch để triển khai biện pháp chống dịch.

Tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Do đó, chúng ta không được chủ quan, lơ là mà vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như các bộ, ban ngành liên quan.

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC