Bộ Y tế chiều 11/5 đã thông tin về chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam sau tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5/5/2023 “Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu”.
KHÔNG CHỦ QUAN VỚI CÁC BIẾN THỂ MỚI XUẤT HIỆN
Trao đổi về nội dung này, GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, công bố của WHO về việc Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh việc tuyên bố không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa hay Covid-19 ít nguy hiểm hơn.
WHO đánh giá rủi ro nguy cơ về Covid-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu, dù số mắc và số ca tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi, thay đổi. Nếu như đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện.
Với Việt Nam, ông Lân cho biết, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng…; tăng cường giám sát lồng ghép Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Bên cạnh đó, là đa dạng hoá các hoạt động giám sát dịch bệnh để có thể đánh giá đúng tình hình dịch nhằm triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Vừa tăng cường giám sát trọng điểm, thường xuyên, lồng ghép, giám sát theo sự kiện, vừa giám sát ngẫu nhiên.
“Việc giám sát ngẫu nhiên ở cửa khẩu không mang tính bắt buộc nhưng vẫn mang lại lợi ích trong cộng đồng nên người dân cần phối hợp”, GS.TS.Phan Trọng Lân nêu rõ.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện Việt Nam không còn hạn chế đi lại, trong khi bản chất của SARS-CoV-2 vẫn có thể di chuyển trên những người khỏe mạnh, vượt qua hàng rào hành chính, do đó phòng chống dịch Covid-19 mang tính toàn cầu, không riêng một quốc gia, một địa phương.
“Miễn dịch Covid-19 sẽ giảm theo thời gian và dịch vẫn có thể xuất hiện làn sóng mới từ khu vực này đến khu vực khác. Chính vì thế dịch bệnh Covid-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực”, GS.TS.Phan Trọng Lân nhận định.
Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh Covid-19, trong đó có ca bệnh nhập viện, có bệnh nhân tử vong, 1/10 trong số này có liên quan hậu Covid-19. Vì vậy, Covid-19 vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế.
CHƯA XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM CÔNG BỐ HẾT DỊCH
Liên quan đến vấn đề khi nào Việt Nam có thể công bố hết dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định việc công bố dịch gồm 5 nội dung: Thứ nhất trên dịch bệnh; thứ hai là thời gian, địa điểm, phạm vi, quy mô; thứ ba là nguyên nhân, đường lây truyền và tính chất nguy hiểm của dịch; thứ tư là các biện pháp phòng chống và thứ năm là các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận điều trị.
Theo ông Lân, với 5 nội dung này, vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch để các cơ quan liên quan và người dân nắm được. Mỗi số liệu đưa ra đều mang ý nghĩa giúp cho người dân và cơ quan liên quan biết thời gian, địa điểm, quy mô dịch và các biện pháp phòng chống để thực hiện một cách xuyên suốt thống nhất, giúp cho nhanh chóng khống chế dịch.
“Đến nay, ngay cả trong cuộc họp của WHO ngày 5/5, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng. Vì thế đối với Việt Nam, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia cập nhật, tham mưu cho Bộ Y tế, cho Chính phủ đưa ra các biện pháp linh hoạt, phù hợp mới mức độ, diễn biến tình hình dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết”, ông Lân nhấn mạnh và cho hay các hoạt động phòng chống dịch hiện nay sẽ dựa trên tình hình dịch tễ, biện pháp phòng chống, nguồn lực. Đặc biệt trong bối cảnh dịch chưa ổn định, vẫn có biến chủng, ca mắc mới hằng ngày.
Các biện pháp này nhằm đảm bảo khi có tình huống phải áp dụng để kiểm soát dịch nhanh chóng. Bộ Y tế cũng tiếp tục khuyến cáo trong thời gian tới vẫn cần duy trì thực hiện 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống Covid-19 lâu dài.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng tái khẳng định, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với Covid-19 không có nghĩa rằng đã chấm dứt đại dịch, không còn là mối đe dọa trên toàn cầu hay ở Việt Nam.
WHO cũng đưa ra 7 khuyến nghị cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, bao gồm: Duy trì những thành tựu đã đạt được và những đầu tư đã thực hiện trong việc ứng phó với bệnh truyền nhiễm thông qua Covid-19; tích hợp tiêm phòng Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng thường quy; tích hợp giám sát Covid-19 với giám sát các mầm bệnh đường hô hấp khác; bảo đảm có nguồn cung cấp vaccine tốt, chẩn đoán và điều trị tốt.
Các khuyến cáo nữa là tiếp tục làm việc, gắn kết sự tham gia và truyền thông tới các cộng đồng. Về các biện pháp liên quan đến đi lại, Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững Covid-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.
Cuối cùng là cần tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu về cả hiệu quả và hiệu suất của vaccine, cũng như tình trạng hậu Covid-19. Theo Tiến sĩ Angela Pratt, trong bối cảnh tình hình hiện nay ở Việt Nam các ca nhiễm đang có xu hướng gia tăng, cần tiếp tục theo dõi sát sao, lưu ý rằng có thể cần điều chỉnh các biện pháp ứng phó và theo dõi chặt chẽ các cơ sở khám chữa bệnh.
Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ năng lực các cơ sở và chăm sóc đặc biệt để đảm bảo rằng các cơ sở và nhân viên y tế không bị quá tải.
“Chúng ta không muốn quay trở lại tình trạng mà các quốc gia phải trải qua vài năm trước, vì vậy tất cả những điều trên thực sự rất quan trọng, ngay tại thời điểm hiện tại khi mà số ca mắc đang gia tăng tại Việt Nam”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo vneconomy.vn