Thông tin được Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ngày 2/8.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 45 bệnh nhân đã tử vong tại TP. HCM (10), Bình Dương (9), Đồng Nai (5), Tây Ninh (4), Bình Phước (4), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Bạc Liêu (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Gia Lai (1), Hậu Giang (1), Sóc Trăng (1), Long An (1).
TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết so với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp.
Cũng theo TS Nguyễn Lương Tâm, Tổ chức Y tế thế giới nhận định khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, ước tính có khoảng 100 – 400 triệu ca mắc mỗi năm. Trong 50 năm qua, số mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần và tăng gấp đôi sau 10 năm.
Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế trên toàn thế giới, việc duy trì mạnh mẽ các biện pháp chống dịch với các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết cũng như các bệnh dự phòng bằng vaccine, các bệnh lãng quên khác trong thời kỳ đại dịch là rất quan trọng, để có thể tránh tình huống dịch chồng dịch và hạn chế hậu quả nặng nề với các nước.
Để chủ động, kịp thời cung ứng dịch truyền Dextran 40 phục vụ điều trị bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố thực hiện hoặc chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức mua sắm theo quy định để đảm bảo kịp thời cung ứng được dịch truyền Dextran cho nhu cầu điều trị.
Cùng với đó, đảm bảo việc ký hợp đồng giữa các đơn vị cung ứng thuốc dịch truyền Dextran 40 với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thể hiện dưới dạng hợp đồng chi tiết, có số lượng và thời gian giao hàng cụ thể, đồng thời nêu rõ ràng trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Đối với các bệnh truyền nhiễm khác như: Tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại, Bộ Y tế cho biết ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi.
Hiện chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác.
Bộ Y tế đánh giá, dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp. Cùng đó, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm…đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch.
Theo vneconomy.vn