Trong cuộc họp báo ngày 10/1, bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp của WHO tại châu Âu, cho rằng người dân nên đeo khẩu trang tại các địa điểm có rủi ro cao như những chuyến bay đường dài. “Đây cũng là khuyến nghị đối với du khách di chuyển từ những khu vực Covid-19 đang lây lan nhanh chóng. Các quốc gia cần kiểm tra kết quả xét nghiệm của người dân trước khi khởi hành, thực hiện biện pháp kiểm dịch khi đi lại mà không có sự phân biệt đối xử”, bà Smallwood nói thêm.
Các biện pháp có thể được thực hiện bao gồm giám sát bộ gen và nhắm mục tiêu hành khách từ các quốc gia khác miễn là nó không chuyển hướng nguồn lực từ các hệ thống giám sát trong nước. Đồng thời gồm giám sát nước thải xung quanh các điểm nhập cảnh như sân bay.
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) hôm 10/1 cũng đã đưa ra các khuyến nghị cho các chuyến bay giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu, bao gồm “các biện pháp phi dược phẩm để giảm sự lây lan của virus, chẳng hạn như đeo khẩu trang”, và kiểm tra khách du lịch, cũng như giám sát nước thải như một công cụ cảnh báo sớm để phát hiện các biến thể mới”.
Các cơ quan khuyến nghị “thử nghiệm ngẫu nhiên cũng có thể được thực hiện trên một mẫu hành khách đến” và “tăng cường làm sạch và khử trùng máy bay phục vụ các tuyến này”. Tuần trước, nhóm Ứng phó Khủng hoảng Chính trị Tích hợp (IPCR) của EU, là một cơ quan gồm các quan chức từ 27 chính phủ của EU, cũng khuyến nghị tất cả hành khách trên các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc nên đeo khẩu trang và xét nghiệm ngẫu nhiên đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
Tại châu Âu, biến thể phụ XBB.1.5 được phát hiện với số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng, các quan chức của WHO và châu Âu cho biết trong cuộc họp báo. XBB.1.5 – biến thể phụ Omicron dễ lây truyền nhất được phát hiện cho đến nay – cũng chiếm 27,6% số ca mắc Covid-19 tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 7/1. Tuy hiện chưa rõ liệu XBB.1.5 có gây ra làn sóng lây nhiễm toàn cầu hay không, các chuyên gia cho biết các loại vaccine hiện tại tiếp tục bảo vệ chống lại các triệu chứng nghiêm trọng, nhập viện và tử vong.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, XBB.1.5 dễ lây lan đến mức hầu hết những người chưa nhiễm virus SARS-CoV-2 đều có khả năng mắc. Paula Cannon, nhà virus học tại Đại học Nam California nói với USA Today: “Nó lây nhiễm rất nhanh. Tất cả những thứ đã bảo vệ bạn trong vài năm qua, tôi không nghĩ sẽ bảo vệ bạn trước loạt biến thể mới này”. Biến thể này rất dễ lây lan vì nó “dường như liên kết chặt chẽ hơn với các thụ thể trong cơ thể con người so với các biến thể tiền nhiệm”.
Triệu chứng của XBB xuất hiện từ nhẹ đến nặng, thường xuất hiện từ 2 – 14 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với virus. WHO tiếp tục khuyến nghị mọi người xét nghiệm ít nhất 5 ngày sau khi tiếp xúc với Covid-19.
Các triệu chứng phổ biến nhất của XBB cho đến nay được báo cáo cũng tương tự như các biến thể khác, gồm: nhức mỏi cơ thể, sổ mũi, đau đầu, sốt, ớn lạnh, viêm họng, mệt mỏi, đau cơ… Ít phổ biến hơn là các báo cáo về triệu chứng mất vị giác hoặc khứu giác, khó thở. Các triệu chứng của XBB cho đến nay giống với cảm lạnh hơn là cúm, nhưng vẫn còn sớm để chắc chắn điều này, theo các chuyên gia.
Với biến thể mới, thế giới khả năng sẽ chứng kiến thêm những làn sóng lây nhiễm trên khắp các khu vực, do đó thúc đẩy sự cần thiết của việc kết hợp các vaccine Covid-19 cải tiến để ứng phó tốt hơn với khả năng tránh miễn dịch của XBB, theo các chuyên gia. “Điều này không đồng nghĩa với sự xuất hiện của làn sóng tử vong tiếp theo, vì các biện pháp đối phó như vaccine hiện tại vẫn tiếp tục phát huy tác dụng”, ông Jonathan Ball, giáo sư về virus học phân tử tại Đại học Nottingham cho biết. “Nếu bạn dễ bị tổn thương do tuổi già hoặc do bạn mắc các bệnh nền khác, thì bạn có nguy cơ mắc Covid-19 nặng cao hơn và cần tăng cường khả năng miễn dịch”.
Nhiều quốc gia đang theo dõi và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là biến thể phụ XBB.1.5 có thể gây nên một làn sóng dịch nguy hiểm mới. Trước mắt, nhiều nước hối thúc người dân quay trở lại biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên, cũng như tiêm liều vaccine tăng cường cho nhóm người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm.
Các khuyến cáo của WHO về việc “thực hiện biện pháp kiểm dịch khi đi lại mà không có sự phân biệt đối xử” là có lý do, bởi những hạn chế Covid-19 đối với du khách Trung Quốc đang dấy lên lo ngại về một làn sóng phản đối người châu Á tại Mỹ và châu Âu có thể tái diễn như hồi đại dịch.
Các yêu cầu xét nghiệm Covid-19 gần đây đã được Mỹ và nhiều quốc gia thiết lập nhằm ứng phó với tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt ở Trung Quốc. Việc Bắc Kinh nới lỏng biên giới từ 8/1 khiến nhiều quốc gia lo ngại về sự trở lại của một làn sóng Covid-19 mới. Ngoài các hạn chế mới của CDC, các hãng tàu như Norwegian Cruise Line Holdings và Regent Seven Seas đang yêu cầu xét nghiệm đối với hành khách đã đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong hoặc Macau trong 10 ngày trước đó, theo USA Today.
Ông Frank Wu, hiệu trưởng Queens College thuộc Đại học Thành phố New York, lưu ý rằng tâm lý chống châu Á không chỉ nhắm vào người Mỹ gốc Á mà còn bao gồm những người có bề ngoài giống châu Á. “Chúng tôi biết tỷ lệ lây nhiễm đang gia tăng ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Nếu lo lắng về những biến thể và tình trạng lây lan thông qua du lịch, chúng ta nên xem xét các chính sách mới và yêu cầu xét nghiệm âm tính đối với tất cả khách du lịch nói chung, bất kể họ đến từ đâu”, ông Wu nói.
Theo vneconomy.vn