Chợ đầu mối TP.HCM: Cảnh báo 50% mẫu thực phẩm, rau quả xét nghiệm có dư lượng hóa chất

Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (Ban An toàn) mới đây cho biết đã tiến hành lấy mẫu các sản phẩm tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” gửi kiểm tra. Kết quả đã gây sửng sốt cho người tiêu dùng.

TEST TỚI ĐÂU, THẤY “ĐỘC DƯỢC” TỚI ĐÓ

Các mẫu được lấy ngẫu nhiên mang đi xét nghiệm phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có cả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép.

Ban An toàn cho biết đã phát hiện hoạt chất Carbendazim dùng trị nấm trên các loại rau như cải bó xôi (bói xoi), cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải bẹ xanh… Hoạt chất Permethrine (thuốc trừ sâu) cũng được tìm thấy trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất Cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng; hoạt chất Imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; các hoạt chất Chloramphenicol, Ciprofloxacin và Enrofloxacin trên các sản phẩm thủy hải sản…

Tại ba chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM (chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền), Ban An toàn đã phát hiện tỷ lệ sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao trong rau củ, trái cây. Đơn cử với nhóm mặt hàng rau củ, trái cây có là 271/570 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao, chiếm tỷ lệ 47,54%.

Với nhóm hải sản đánh bắt bị nhiễm kim loại nặng có 42/100 mẫu phát hiện nhiễm Cadmium vượt mức cho phép, chiếm tỷ lệ 42%. Được biết, Cadmium (Cd) khi nhiễm vào đất hay cơ thể người sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm tương đương với thủy ngân và chì.

Nhóm thủy sản nuôi, phát hiện tồn dư kháng sinh cấm sử dụng, gồm: Ciprofloxacin 37/100 mẫu, tỷ lệ 37%; Enrofloxacin 49/100 mẫu, cùng nhiều dư lượng hóa chất khác.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, thời gian qua, việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả nhất là tại các tỉnh, mặc dù có nhiều chuyển biến song hiệu quả chưa cao, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân chưa được kiểm soát, kiểm soát chặt chẽ.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DƯ LƯỢNG HÓA CHẤT: CÂU CHUYỆN DÀI!

Một số chuyên gia trong ngành nhận xét rằng, việc lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra và phát hiện ra hóa chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thật ra chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Nghĩa là, nếu kiểm tra đại trà, test đại trà sẽ còn chứng kiến thực tế kinh khủng hơn. Bởi vì, việc test hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng trên rau củ, trái cây, thực phẩm không thể thực hiện bằng “que test nhanh” tại chỗ được. Đó là test chuyên sâu, test trong phòng thí nghiệm. Chính vì vậy, thời gian vừa qua cơ quan chức năng test tới đâu phát hiện tới đó, nhưng số lượng mẫu test còn quá hạn chế.

Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ nông trại tới bàn ăn, là vấn dề hệ trọng đối với sức khỏe, an toàn tính mạng của con người.
Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ nông trại tới bàn ăn, là vấn dề hệ trọng đối với sức khỏe, an toàn tính mạng của con người.

Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan, theo các quy định hiện hành thì chỉ kết quả test chuyên sâu mới đủ cơ sở để xử phạt, còn test nhanh chỉ mang yếu tố sàng lọc, chỉ tác dụng với các hoạt chất cơ bản (ví dụ formol, hàn the, chất bảo quản ngoài danh mục – NV). Song cũng theo bà, cái khó hiện nay là cơ quan không đủ khả năng, tiềm lực để test tất cả, test chuyên sâu liên tục, mà buộc phải sàng lọc theo dạng nhóm hàng nguy cơ cao, mùa vụ để cảnh báo.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện mỗi đêm, tổng lượng hàng về ba chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điển khoảng 6.000 – 8.000 tấn, có thời điểm cao điểm tăng đột biến lên 9.000 tấn. Mỗi chợ đầu mối có một thế mạnh riêng.

Ví dụ: Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức phần lớn là cung ứng các mặt hàng nông sản rau củ và trái cây. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là điểm trung chuyển, cung ứng hàng thực phẩm, nông sản phía tây bắc Thành phố đồng thời là chợ thịt heo lớn nhất ở TP.HCM (cung ứng ½ lượng thịt heo cho Thành phố). Chợ đầu mối Bình Điền, nằm ở phía tây nam Thành phố, là chợ nông sản thực phẩm đầy đủ và lớn nhất TP.HCM. Chợ Bình Điền giữ vai trò trọng yếu trong cung cấp thủy hải sản, gia súc gia cầm, rau củ quả.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết những khó khăn, bất cập của việc xử lý những trường hợp kiểm tra phát triển hóa chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Cụ thể, theo bà, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần có sự phối hợp kiểm soát từ các tỉnh, cũng như cần có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành. Chẳng hạn như nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc thế nào, ra làm sao…

Riêng với các sản phẩm tham gia Chuỗi thực phẩm an toàn TP.HCM, Ban An toàn cho biết, có đến 95,65% không phát hiện tồn dư hóa chất, trong khi 3,69% phát hiện có tồn dư hóa chất trong mức giới hạn cho phép.

Chương trình Chuỗi thực phẩm an toàn TP.HCM được thành lập theo Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành quy chế cấp và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” của TP.HCM.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã triển khai 9 lớp tập huấn tuyên truyền với tổng số người tham dự là 480 người. Thành phần tham dự gồm tiểu thương tại các chợ truyền thống, bếp ăn tập thể,… Dự kiến trong thời gian tới, Ban An toàn sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn tuyên truyền đến các đối tượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên cả 3 lĩnh vực y tế, công thương và nông nghiệp.

 

Trong năm 2021, TP.HCM xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân do rượu tại Q.8, Tân Bình và Bình Tân, với 22 người ăn uống, trong đó có 15 người mắc và 7 người tử vong do ngộ độc rượu. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, công tác an toàn thực phẩm được  bảo đảm , TP.HCM không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC