“Bác sĩ gia đình” có thể coi là một từ khóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở các nước phát triển và đang là giải pháp hữu hiệu giúp các cá nhân và gia đình theo dõi sức khỏe một cách thường xuyên và toàn diện.
TRÊN 100 QUỐC GIA ĐÃ THAM GIA VÀO CÁC HIỆP HỘI VỀ BÁC SỸ GIA ĐÌNH
Sự bùng nổ của công nghệ liệu có tạo nên “cú hích” trong việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình? Chia sẻ tại chương trình The Wise Talk với chủ đề “Bác sỹ gia đình liệu có thành xu hướng chăm sóc sức khoẻ chủ đạo nhờ “trợ thủ” công nghệ?”, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light), cho rằng: “không thể phủ nhận” tầm quan trọng của bác sĩ gia đình. Bác sỹ Giang cho biết trên thế giới mô hình bác sĩ gia đình đã được áp dụng từ những năm 60, 70 và cho đến nay, trên 100 quốc gia đã tham gia vào các hiệp hội về bác sĩ gia đình.
Theo anh Trương Vũ Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Med247, bác sĩ gia đình là một cấu phần trong y học gia đình. Bác sĩ gia đình sẽ nắm toàn bộ hồ sơ sức khỏe, bệnh án của toàn bộ cá nhân cũng như gia đình. Khi nắm được toàn bộ bệnh án, bệnh sử cũng như theo dõi sức khỏe cho cả cá nhân và gia đình, bác sĩ gia đình sẽ là người hỗ trợ, kiểm soát hoặc dự phòng những vấn đề sức khỏe tốt nhất đối với từng cá nhân. Ngoài ra, bác sĩ gia đình sẽ là người kết hợp với các bác sĩ chuyên khoa để đưa ra lộ trình điều trị đối với các căn bệnh mãn tính hay chuyên sâu cần tới bác sĩ chuyên khoa. Và bác sĩ gia đình cũng là người trực tiếp đảm bảo bệnh nhân hay là cá nhân đi đúng theo lộ trình điều trị, trước và sau điều trị, để đảm bảo vấn đề sức khỏe xuyên suốt được theo dõi một cách triệt để.
Một lợi ích lớn của bác sỹ gia đình là giúp giảm thiểu nhiều chi phí cho chính người bệnh. Có đến 70-80% bệnh lý cơ bản nếu được bác sĩ gia đình tư vấn hỗ trợ hoặc được theo dõi ngay từ ban đầu, cũng như sự tham vấn, điều trị của các bác sĩ chuyên khoa, bệnh sẽ không tiến triển nặng, giúp tăng cường sức khỏe và chi phí khám chữa bệnh sau này. Ngoài ra, bác sĩ gia đình cũng giúp cả hệ thống y tế, bác sĩ chuyên khoa được giảm tải.
Tuy nhiên, theo con số thống kê được anh Trương Vũ Tuấn đưa ra, tại Việt Nam chỉ có khoảng 8,8 bác sĩ trên 10.000 người dân. Để so sánh, tại Singapore là 23 bác sĩ trên 10.000 người dân, các nước châu Âu thậm chí đạt 32-33 bác sĩ trên 10.000 dân. Một trong những “nút thắt cổ chai” của Việt Nam là nguồn lực y tế đang rất hạn chế. Giải quyết bài toán này yêu cầu phải có những chính sách ở tầm vĩ mô, như đào tạo thúc đẩy nguồn nhân lực y tế tốt hơn, biện pháp tiếp cận y tế tốt hơn, đặc biệt là hỗ trợ các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận y tế sớm hơn. Đây là bài toán cần đến sự chung tay giải quyết của cả khối công và khối tư nhân.
CÔNG NGHỆ SẼ GỠ KHÓ, HỖ TRỢ MÔ HÌNH BÁC SĨ GIA ĐÌNH PHÁT TRIỂN
Dịch Covid-19 vừa qua là một phép thử mà có lẽ trong cả lịch sử, nhân loại chưa khi nào trải qua một phép thử lớn đến như thế, phép thử với mẫu quá lớn và diện quá rộng. Phép thử ở đây không phải chỉ riêng về mặt sức khỏe, thể chất mà còn là phép thử trên mọi phương diện. Trong đó, những thay đổi xảy ra với mọi người là những xáo trộn, thay đổi thậm chí cả về kinh tế, việc làm, môi trường và chung quy những cái đó cũng quay lại tác động tới sức khỏe. Đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều thay đổi về mặt nhận thức chăm sóc sức khỏe.
“Đây là thời điểm vàng để có cơ hội nâng cao hơn nữa ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân, chăm sóc sức khỏe chủ động một cách mạnh mẽ hơn. Rõ ràng người dân đang bắt đầu có những nhận thức thay đổi thuận lợi đối với sức khỏe”, bác sỹ Giang nói.
Anh Trương Vũ Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Med247, cho biết xuyên suốt đợt dịch Covid-19 vừa qua, Med247 đã làm rất tốt công việc hỗ trợ các bác sĩ trong việc tư vấn từ xa. Trước đây việc tư vấn bệnh từ xa, theo dõi, quản lý bệnh chưa thực sự được quan tâm vì thói quen cũng như xu hướng đa số người bệnh luôn muốn gặp và thăm khám trực tiếp với bác sĩ. Tuy nhiên,
“Nếu công nghệ có thể hỗ trợ bác sỹ gia đình phát triển phổ biến tại các vùng sâu, vùng xa, người dân sẽ giảm được nhiều loại chi phí liên quan đến sức khỏe.
Dịch Covid-19 bắt buộc mọi người phải thích nghi với hoàn cảnh, và tư vấn bệnh từ xa trở nên quen thuộc hơn.
Có thể trong 5-10 năm tới, bác sỹ gia đình sẽ là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển xã hội tại Việt Nam”.
Một trong những khó khăn trong thời đại Internet là có quá nhiều thông tin về sức khỏe, nên đôi khi khiến người bệnh hoang mang, không biết chắt lọc, nhận ra thông tin nào phù hợp với mình, thông tin nào đúng sự thật. Ngoài ra, dù là cùng một căn bệnh nhưng mỗi người lại có những biến chuyển khác nhau, nên việc được tư vấn với các bác sỹ, chuyên gia sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân. Vì vậy, công nghệ đã bắc cầu cho bệnh nhân đến với bác sỹ, chuyên gia y tế. Chính đội ngũ các bác sĩ, những người làm chuyên môn cũng nhận thấy tiềm năng của công nghệ. Chẳng hạn, với nền tảng online, và sự hỗ trợ của các bạn điều phối viên, các bác sĩ đã có thể tiếp cận, hỗ trợ nhiều bệnh nhân hơn.
Đặc biệt, nếu công nghệ có thể hỗ trợ bác sỹ gia đình phát triển phổ biến tại các vùng sâu, vùng xa, người dân sẽ giảm được nhiều loại chi phí sức khỏe. Người dân ở vùng sâu, vùng xa thường ít có điều kiện tiếp cận với các hệ thống y tế, và họ cũng chính là những đối tượng cần bác sĩ gia đình nhiều hơn so với người dân tại thành phố lớn, do ở thành phố lớn, người dân có thể dễ dàng đến các trung tâm y tế và tiếp cận các dịch vụ y tế nói chung. Ngoài ra, công nghệ có thể hỗ trợ trong các buổi hội chẩn, nâng cao kiến thức chuyên môn cả về phương pháp điều trị hay những chẩn đoán từ xa, góp phần thúc đẩy cả hệ thống bác sĩ gia đình và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tại từng xã, phường, địa phương ở vùng sâu, vùng xa.
Đại diện Med247 cho rằng có thể trong 5-10 năm tới, bác sỹ gia đình sẽ là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển xã hội tại Việt Nam.
HIỂU ĐÚNG VỀ “BÁC SỸ GIA ĐÌNH”
Bác sỹ Giang cho rằng nhận thức của người dân cũng là một vấn đề cần thay đổi để có thể thúc đẩy mô hình bác sỹ gia đình. Hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe dự phòng và chủ động của người dân vẫn còn rất hạn chế. Nhận thức và hiểu biết về mô hình bác sĩ gia đình vẫn còn rất hạn chế. “Bác sĩ gia đình không có nghĩa phải đến gia đình, nhưng khi nào thành viên trong gia đình cần đến bác sỹ, họ chỉ cần gõ bàn phím hoặc nhấc điện thoại, thì bác sĩ vẫn luôn bên cạnh chúng ta”, bác sỹ Giang nói.
Để có thể dần thay đổi thói quen và nhận thức, bác sỹ Giang cho rằng cần có những chương trình truyền thông mạnh mẽ, giúp thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, đồng thời đưa ra những mô hình thực hành tốt, hỗ trợ thử nghiệm, thậm chí là triển khai thử nghiệm trên diện rộng để có thể rút kinh nghiệm nhanh chóng và có được những mô hình thành công tác động trực tiếp đến hành vi của người sử dụng.
“Làm sao để những đơn vị làm về công nghệ có thể kết nối mạnh hơn với những đơn vị cung cấp dịch vụ, làm sao những đơn vị cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ có thể kết nối với nhau, làm sao chúng ta có thể biến các trạm y tế xã, phường, nâng cao năng lực để họ cũng trở thành một phần của mắt xích bác sĩ gia đình”, bác sỹ Giang nói. “Tôi nghĩ đến giờ phút này chúng ta hiểu phải bác sĩ gia đình không phải là một người bác sĩ cụ thể, mà sẽ là cả một mạng lưới, một hệ thống sao cho mỗi gia đình đều có bác sĩ, được tiếp cận với bác sĩ”.
Theo vneconomy.vn