Sau một thời gian ngắn tạm lắng, kể từ tháng 7, dịch Covid-19 nóng lên trở lại tại nhiều nơi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh bùng phát mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Âu, chủ yếu do hai biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 lây lan nhanh chóng. Biến chủng có khả năng liên kết với tế bào tốt, trốn tránh được miễn dịch nên dễ dàng chiếm ưu thế toàn cầu.
Mặc dù các vaccine ngừa Covid-19 hiện có vẫn có khả năng ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong, song hiệu quả của những chế phẩm này đã phần nào suy giảm khi virus không ngừng biến đổi. Do đó, mọi sự chú ý đổ dồn vào các hãng dược, chờ đợi từng thông tin nhỏ giọt về việc bào chế một thế hệ vaccine thứ hai.
VACCINE MỚI CỦA MODERNA TẠI ANH
Ngày 15/8, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt loại vaccine mới của Moderna có thể ngăn ngừa cả Omicron và biến chủng nCoV gốc. Đây là loại vaccine đầu tiên trên thế giới có thể ngừa được biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm Vương quốc Anh (MHRA) cho biết trong một thông báo: Phiên bản này của vaccine bao gồm một liều tăng cường được gọi là “lưỡng trị”, nhắm mục tiêu một nửa chủng virus ban đầu và một nửa biến thể phụ của Omicron.
Thử nghiệm cho thấy vaccine khi sử dụng làm liều tăng cường có thể kích hoạt “phản ứng miễn dịch mạnh mẽ”, chống lại cả Omicron (biến chủng BA.1) và virus gốc năm 2020. Đây được gọi là loại vaccine “hai giá trị” và là vaccine Covid-19 đầu tiên được phê duyệt “đặc hiệu” với biến chủng Omicron. MHRA cũng trích dẫn một phân tích cho thấy vaccine tạo phản ứng miễn dịch tốt trước các biến chủng phụ khác của Omicron như BA.4 và BA.5.
“Thế hệ vaccine Covid-19 đang được sử dụng ở Anh vẫn tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ, chống lại virus và cứu sống nhiều người. Vaccine hai giá trị mới là công cụ sắc bén, bổ sung vào kho vũ khí, giúp chúng tôi bảo vệ người dân khi virus tiếp tục phát triển”, Giám đốc MHRA, June Raine, cho biết. Trong khi đó, các tác dụng phụ quan sát được là “thường yếu” và tương tự như những tác dụng phụ quan sát được đối với loại vaccine ban đầu.
VACCINE PFIZER/BIONTECH TẠI EU
Tuần trước, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng cho biết họ đang xem xét việc phê duyệt sớm nhất vaccine Pfizer/BioNTech nhắm vào 2 biến thể phụ của chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng là BA.4 và BA.5. Việc rà soát sớm đồng nghĩa EMA sẽ xem xét các dữ liệu sẵn có và sẽ tiếp tục cho tới khi có đủ dữ liệu để đáp ứng điều kiện nộp đơn xin tiếp thị chính thức. Đây là một trong những công cụ quản lý mà EMA sử dụng để đẩy nhanh việc đánh giá một vaccine hoặc thuốc có tiềm năng dự phòng hoặc điều trị trong tình trạng khẩn cấp về y tế.
Ngày 8/8, BioNTech cho biết vaccine phòng Covid-19 phiên bản đặc biệt dành cho dòng phụ BA.1, BA.4, BA.5 của biến thể Omicron sẽ có thể đưa vào sử dụng trong tháng 10 nếu được các cơ quan chức năng cấp phép. BioNTech cùng với đối tác Pfizer dự định cung cấp cả hai loại vaccine đúng vào dịp triển khai các chiến dịch tiêm phòng mũi tăng cường vào mùa thu.
Giám đốc điều hành (CEO) kiêm nhà đồng sáng lập BioNTechm, ông Ugur Sahin, khẳng định các sản phẩm chống Covid-19 của hãng bao gồm các ứng viên vaccine thế hệ mới, có điều chỉnh tùy theo các biến thể để có được hiệu quả bảo vệ rộng dãi, trong thời gian dài.
Theo Peter Piot, cựu Giám đốc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, trong cuộc họp để đánh giá loại vaccine thích hợp, các chuyên gia châu Âu đều có xu hướng chấp thuận tiêm thêm hai liều vaccine mới để ngăn ngừa Omicron. Họ cho rằng “điều quan trọng là phải tiêm phòng đủ sớm trước khi làn sóng lây nhiễm kéo đến”, thay vì hành động khi dịch đã đạt đỉnh như trước đây. “Thành thật mà nói, nếu tiêm vaccine vào thời kỳ cao điểm, mọi thứ sẽ quá muộn”, Tiến sĩ Piot nhận định.
VACCINE ĐẶC HIỆU TẠI NHẬT BẢN
Tại châu Á, chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến triển khai loại vaccine Covid-19 mới, đặc hiệu, ngăn ngừa biến chủng phụ BA.5 của Omicron, vào đầu tháng 10 này. Vaccine trước tiên sẽ được cung cấp cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, có nguy gặp các triệu chứng nghiêm trọng sau khi mắc Covid-19. Sau đó những người trẻ hơn cũng có thể tiêm chủng, tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của vaccine.
Vaccine có sử dụng các thành phần có trong mũi tiêm ngừa Covid-19 nguyên bản, kèm theo một số thành phần từ biến chủng phụ BA.1. Đây là sản phẩm mới do hãng dược Pfizer và Moderna phát triển. Theo báo cáo, trong thử nghiệm lâm sàng, vaccine được cho là làm tăng lượng kháng thể trung hòa chống lại biến chủng phụ BA.1, hiệu quả đối với BA.5 ở một mức độ nào đó.
Kế hoạch triển khai sử dụng vaccine này đã nhận được sự chấp thuận của hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, tung ra vào thời điểm Nhật Bản đang trải qua đợt bùng phát thứ 7. Sự “hồi sinh” của virus khiến chính phủ mở rộng phạm vi đối tượng đủ điều kiện nhận liều vaccine Covid-19 thứ 4.
KHÔNG NÊN TRÌ HOÃN LIỀU TIÊM TĂNG CƯỜNG
Với cuộc chạy đua vaccine thế hệ mới nhắm đến các biến thể phụ BA.4 và BA.5, tại cuộc họp của nhóm chuyên gia WHO, một số thành viên bày tỏ lo ngại rằng nhiều người dân có thể nảy sinh tâm lý chờ vaccine mới ra mắt, thay vì tiêm vaccine hiện có. Tuy nhiên, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Chính phủ Mỹ, cảnh báo những người không tiêm bổ sung vaccine Covid-19 có thể sẽ có thể gặp “rắc rối” trước khi có thể tiếp cận loại vaccine mới.
Lý do là khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, còn các biến thể phụ mới thì liên tục xuất hiện. “Nếu bạn 50 tuổi trở lên hoặc dưới 50 nhưng đang mang thai hoặc có bệnh nền mà từ đầu năm 2022 đến nay chưa tiêm lần nào thì điều tối quan trọng là phải tiêm ngay bây giờ, đừng chần chừ nữa”, tiến sĩ Ashish Jha, điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng nói.
Tiến sĩ Fauci cũng nhấn mạnh rằng càng nhiều người được tiêm phòng, virus càng ít tiến hóa. “Nếu miễn dịch của bạn đang giảm dần nhưng các biến thể mới lại mạnh mẽ hơn, rất có thể chúng ta đang tạo điều kiện cho nhiều biến thể mới nữa xuất hiện. Hãy tiêm chủng, tiêm liều tăng cường ngay bây giờ, đừng chờ đợi vì khi chần chừ, rất có thể bạn sẽ nhận hậu quả xấu”, ông khuyến cáo.
Theo vneconomy.vn