Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3044/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, Bộ Y tế quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Các hoạt động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Căn cứ Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hiện nay, bệnh truyền nhiễm nhóm B bao gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong như: Bệnh do virus Adeno; HIV/AIDS; bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người.
Các bệnh lỵ Amibe; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh viêm gan virus; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não virus…
Theo Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây ra một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.
Ngày 29/7/2022, Bộ Y tế đã ra Quyết định 2099/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Theo đó, các triệu chứng chính của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tại Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh về từ nước ngoài.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn…
Theo vneconomy.vn