Không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19

Bộ Y tế nhấn mạnh yêu cầu này trong công văn số 4920 vừa ban hành về việc thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR.

Bộ Y tế cho biết, cơ quan này nhận được phản ánh của một số đơn vị, địa phương như UBND TP. Hà Nội, UBND TP. HCM, Sở Y tế Phú Yên, Sở Y tế Hải Phòng về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR.

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng, cơ quan này đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về đối tượng xét nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, việc triển khai xét nghiệm Covid-19 phụ thuộc vào tình hình thực tế và nhu cầu của từng địa phương. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.

Đồng thời, thực hiện chấn chỉnh việc thu, thanh toán chi phí xét nghiệm đối với từng đối tượng theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Y tế, gần đây nhất là công văn 1157/BYT-KHTC ngày 10/3/2022 về việc thực hiện giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.

Trong đó, trường hợp thanh toán chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế và các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (trừ trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng): Thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.

Trường hợp thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng do ngân sách nhà nước chi trả và trường hợp thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc khoản 2.1 nêu trên do ngân sách nhà nước chi trả: Thực hiện theo hình thức đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Đối với dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 do địa phương đặt hàng thanh toán từ ngân sách địa phương, đề nghị UNND tỉnh/thành phố quy định giá theo thẩm quyền quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ; căn cứ, phương pháp, trình tự định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong bối cảnh cấp bách các địa phương chưa kịp ban hành mức giá để đặt hàng các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã có công văn số 4356/BYT-KHTC, trong đó đề nghị tạm thanh toán chi phí đặt hàng và ký hợp đồng theo mức giá tạm thời, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá đặt hàng thì thực hiện thanh quyết toán theo quy định.

Trường hợp UBND tỉnh/thành phố đã tạm thanh toán chi phí đặt hàng và ký hợp đồng theo mức giá tạm thời, đề nghị UBND các tỉnh/thành phố quyết định giá đặt hàng theo quy định làm cơ sở thanh quyết toán kinh phí đặt hàng các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đối với việc thực hiện xét nghiệm tự nguyện, theo yêu cầu, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại đơn vị, địa phương để thực hiện theo quy định.

Về giá dịch vụ xét nghiệm trong trường hợp này: Thực hiện theo các quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Từ ngày 28/9/2021, Bộ Y tế đã có công văn 8157/BYT-KHTC đề nghị các đơn vị không thực hiện mức giá dịch vụ theo yêu cầu đối với xét nghiệm Covid-19; người xét nghiệm yêu cầu thực hiện theo mức thu áp dụng đối với đối tượng không thanh toán bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Trong đó lưu ý thực hiện phương pháp xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả. Trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn hoặc mức giá của mẫu gộp thấp hơn để thu và thanh toán với người bệnh.

Trường hợp cơ sở y tế được tài trợ, hỗ trợ test, kít, vật tư thực hiện xét nghiệm từ các nguồn hỗ trợ của Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân thì phải loại trừ các chi phí này khi thực hiện thu và thanh toán chi phí xét nghiệm với từng trường hợp. Nếu đơn vị không loại trừ được chi phí do chưa có giá của các loại vật tư, test kít được tài trợ thì có thể thực hiện theo phương án thực thanh thực chi (chi phí thực tế xuất sử dụng những loại vật tư, hóa chất, các chi phí liên quan để thực hiện xét nghiệm).

Các cơ sở y tế ngoài công lập đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 theo quy định, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, đồng thời phải thực hiện việc quyết định mức giá, kê khai giá, niêm yết giá theo đúng quy định. 

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC