Thông tin được GS TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết tại họp báo cung cấp thông tin y tế chiều 27/6.
Về tình hình dịch Covid-19, GS TS Phan Trọng Lân cho biết, trên thế giới số mắc vẫn chưa ổn định, có lúc tăng lúc giảm, các quốc gia châu Âu đang lo ngại một đợt bùng phát dịch mới trong mùa hè năm nay. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điều này được lý giải một phần do liên quan đến chiến lược xét nghiệm của từng quốc gia hiện nay là không đồng đều trên các khu vực.
Những quốc gia thời gian đầu lưu hành chủng BA.1, BA.2, thì hiện nay một số nơi như châu Âu, châu Mỹ đã xuất hiện các chủng xâm nhập BA.4, BA.5 làm gia tăng số ca mắc, có nguy cơ quá tải hệ thống y tế. “Một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầy cho thấy, biến chủng BA.4, BA.5 có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng BA.1, BA.2, một số nghiên cứu cũng chỉ ra, biến chủng này có khả năng chuyển nặng hơn so với chủng cũ”, GS TS Phan Trọng Lân thông tin.
Tại Việt Nam, hai tháng qua cả nước ghi nhận hơn 130.000 ca mắc, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc rất thấp với 0,05%. Điều này là do chủng lưu hành chính tại nước ta hiện nay vẫn là BA.2 với biểu hiện lâm sàng nhẹ, bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, từ 12 – 17 tuổi, thậm chí ngay cả các đối tượng thấp hơn từ 5 đến dưới 12 tuổi đang tiến dần các mốc tiêm chủng cao hơn. Cùng với đó, Việt Nam cũng có chiến dịch bảo vệ những người có nguy cơ cao bằng hình thức tiêm chủng lưu động và tại nhà…
Xét theo khu vực, hai tháng qua, khu vực phía Bắc vẫn ghi nhận hơn 106.000 ca mắc, cao gấp 10 lần so với phía Nam, khu vực miền Trung với hơn 9.000 ca mắc, cao gấp 2 lần so với khu vực Tây Nguyên. Nhìn chung, hầu hết các tỉnh đều giảm số ca mắc, chỉ một số ít tỉnh gia tăng số mắc mới.
GS TS Phan Trọng Lân cho biết, Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch, cảnh báo xuất hiện các biến chủng mới có thể làm cho tình hình dịch phức tạp và gia tăng trở lại, vì thế, dịch vẫn đang ở tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Omicron là biến chủng phố biến trên thế giới song vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu bước đầu nhận định, biến thể BA.4, BA.5 đã ghi nhận ở nhiều nước châu Âu, khiến số ca mắc gia tăng trở lại, khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm chủng vaccine liều nhắc lại cho các đối tượng có nguy cơ cao, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Tại Việt Nam, hệ thống giám sát trọng điểm, các viện đã tiến hành giải trình tự gen và ghi nhận đã có sự xâm nhập của biến chủng BA.5. “Khi xâm nhập, các chủng mới sẽ có nguy cơ lấn lướt chủng cũ BA.1, BA.2. Chuyện xâm nhập là khả năng tất yếu vì các nước có sự giao lưu đi lại trong điều hiện bình thường mới”, GS TS Phan Trọng Lân nhận định.
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi tình hình dịch và chủ động giám sát các biến chủng mới để điều chỉnh và triển khai các biện pháp chống dịch an toàn, linh hoạt, hiệu quả như: Điều chỉnh về cách ly tế, tiếp tục xây dựng các kịch bản y tế ứng phó các tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn 2022 – 2023 và trong tình hình mới.
Cũng tại dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất chưa coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam mà hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững.
Về lý do chưa thể coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, theo các tài liệu về dịch tễ học trong nước và trên thế giới, đặc biệt là của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, bệnh “lưu hành” là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Theo Bộ Y tế, hiện nước ta vẫn phải luôn cảnh giác với các biến thể mới của virus; đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế để sẵn sàng đáp ứng với tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Theo vneconomy.vn