Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/4 cho biết số ca tử vong mới trên toàn cầu do Coid-19 tính theo tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, nhưng cảnh báo rằng xu hướng giảm của hoạt động xét nghiệm có thể cản trở nỗ lực chống dịch.
Dữ liệu từ WHO cho thấy trong vòng 7 ngày tính đến ngày 24/4, thế giới ghi nhận 15.668 ca tử vong do Covid, trong đó châu Âu và châu Mỹ chiếm phần lớn. Con số này đã giảm từ 18.000 ca tử vong ghi nhận trong tuần kết thúc vào ngày 17/4.
Cũng theo báo cáo của WHO, cả số ca nhiễm mới và số ca tử vong do Covid trên toàn cầu đều trong xu hướng giảm kể từ cuối tháng 3 đến nay.
Đây là một tin tốt mà “chúng ta cần đón nhận với một chút thận trọng” – hãng tin CNBC dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo. Ông Tedros cảnh báo rằng một số quốc gia đã giảm công tác xét nghiệm Covid, theo đó hạn chế khả năng của WHO trong việc theo dõi ảnh hưởng của virus Sars-CoV2, cũng như các xu hướng lây nhiễm và tiến hoá của bệnh.
“Virus này sẽ không biến mất chỉ vì các quốc gia ngừng xét nghiệm. Virus vẫn đang lây nhiễm, biến đổi và làm chết người”, ông Tedros phát biểu. “Dù số ca tử vong đang giảm xuống, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ được về hậu quả dài hạn của căn bệnh này ở những người khỏi bệnh. Đối với một virus gây chết người, sự thờ ơ không phải là một ý hay”.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì hệ thống giám sát Covid, bao gồm xét nghiệm và giải mã trình tự gen.
CEO Bill Rodriguez của tổ chức phi lợi nhuận về chẩn bệnh toàn cầu có tên FIND nói rằng công tác xét nghiệm Covid-19 trên toàn cầu đã giảm 70-90% trong vòng 4 tháng qua. Với tư cách một khách mời chuyên gia tham dự buổi họp báo của WHO, ông Rodriguez nói rằng sự suy giảm này đang xói mòn khả năng của thế giới trong việc điều trị bệnh nhân Covid bằng những phương thuốc mới.
Chẳng hạn, Paxlovid của hãng Pfizer – một loại thuốc kháng virus dùng đường uống để điều trị Covid – yêu cầu “xét nghiệm kịp thời và chính xác” trước khi dùng thuốc. Việc điều trị bằng thuốc này nên bắt đầu trong vòng 5 ngày sau khi khởi phát các triệu chứng – ông Tedros nhấn mạnh. Ông nói rằng việc giảm xét nghiệm là một trong số những thách thức gây hạn chế hiệu quả của việc điều trị Covid bằng thuốc Paxlovid, trong khi đây là một thuốc dễ dùng và có thể làm giảm nguy cơ nhập viện.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng kỹ thuật của WHO về Covid-19, cũng nói rằng sự suy giảm của công tác xét nghiệm trên toàn cầu khiến bà “thiếu tin tưởng vào con số ca nhiễm được báo cáo”.
“Sự thật là đã có những thay đổi to lớn trong chiến lược xét nghiệm và số que test được sử dụng trên toàn cầu đã giảm mạnh. Vì thế, chúng tôi không tin lắm vào những con số hiện có”, bà Van Kerkhove nói.
Trong tuần báo cáo, thế giới ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm mới – theo dữ liệu của WHO – so với con số hơn 5 triệu ca nhiễm mới trong tuần trước đó.
Bà Van Kerkhove nói rằng việc giảm xét nghiệm sẽ gây hạn chế khả năng của thế giới trong việc phát hiện những biến chủng đáng lo ngại mới, nhất là những biến chủng phụ của Omicron. Biến chủng phụ BA.2 của Omicron hiện đang là biến chủng chính trên thế giới, gây ra sự bùng dịch ở châu Âu và Trung Quốc – quốc gia đang chống chọi với đợt dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2020.
Ngoài ra, BA.2 cũng đang lây nhanh ở Mỹ, chiếm 68,1% tổng số ca nhiễm mới ở nước này trong tuần kết thúc vào ngày 23/4 – theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Một biến chủng phụ khác có tên BA.2.12.1 cũng đang nổi lên ở Mỹ, chiếm 28,7% số ca nhiễm mới.
“Những gì còn chưa biết về biến chủng tiếp theo vẫn là một mối lo lớn đối với chúng tôi, vì chúng ta cân phải lên kế hoạch cho nhiều dạng kịch bản khác nhau”, bà van Kerkhove phát biểu.
Theo vneconomy.vn