Sự lây lan của Covid-19 không còn là một tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ công chúng toàn cầu – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 5/5.
“Trong hơn 1 năm qua, đại dịch đã trong xu hướng giảm nhờ miễn dịch cộng đồng tăng lên thông qua tiêm chủng và lây nhiễm, tỷ lệ tử vong giảm xuống, và áp lực đối với hệ thống y tế được giải toả”, Tổng giám đốc WHO Tedrox Adhaom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo.
“Xu hướng này cho phép hầu hết các quốc gia quay trở lại với cuộc sống như chúng ta đã biết trước Covid-19. Bởi vậy, với hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”, người đứng đầu WTO nói.
Gần 7 triệu người đã tử vong do Covid-19 kể từ khi WHO lần đầu công bố SARS-CoV2 là tình trạng khẩn cấp vào ngày 30/1/2020 – theo dữ liệu chính thức của WHO. Ông Tedros nói con số tử vong trên thực tế là ít nhất 20 triệu USD.
Theo hãng tin CNBC, quyết định của WHO được đưa ra trong bối cảnh Mỹ dự kiến sẽ tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia vào ngày thứ Năm tuần tới.
Ông Tedros nói rằng vẫn có rủi ro một biến chủng mới của Covid-19 xuất hiện và khiến số ca nhiễm tăng mạnh trở lại. Ông cũng cảnh báo cáo quốc gia không nên phá bỏ hệ thống đã xây dựng để chống lại Covid-19. “Virus này vẫn ở lại, vẫn gây tử vong và tiếp tục biến đổi”, ông Tedros phát biểu.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO nói rằng giờ là lúc để các quốc gia dịch chuyển từ phản ứng khẩn cấp sang quản lý Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác.
Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/20219, khi có những bệnh nhân mắc chứng viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân. Sau đó, Covid-19 lây nhanh trên toàn cầu vào đầu năm 2020, dẫn tới việc đóng băng chưa từng có tiền lệ đối với hoạt động đi lại quốc tế và đóng cửa biên giới, khi các quốc gia cố gắng ngăn sự lan rộng của virus.
Covid-19 đã tấn công mạnh vào cộng đồng người lớn tuổi và dễ tổn thương, làm chao đảo những bệnh viện không có đủ giường và trang thiết bị, vật tư y tế để ứng phó với sự gia tăng bất ngờ của số ca bệnh và ca tử vong.
Trong nỗ lực tuyệt vọng để ngăn các ca tử vong do Covid-19, nhiều chính phủ đã áp lệnh phong toả, dẫn tới suy thoái kinh tế và gián đoạn đời sống xã hội. Hệ quả dài hạn của những gián đoạn này có lẽ phải mất nhiều năm nữa để thế giới có thể thực sự hiểu được.
“Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế. Đại dịch đã gây đảo lộn kinh tế, dẫn tới thiệt hại hàng nghìn tỷ GDP, gây xáo trộn hoạt động đi lại và thương mại, làm suy sụp biết bao doanh nghiệp và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo. Đại dịch cũng làm rối loạn đời sống xã hội khi biên giới bị đóng cửa, di chuyển bị hạn chế, trường học phải đóng cửa, và hàng triệu người phải trải qua cảnh cô đơn, cách ly, lo lắng và sợ hãi”, ông Tedros phát biểu.
Trung Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì không cảnh báo thế giới sớm hơn về Covid-19, nhưng Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này. Các nhà phê bình cũng cáo buộc WHO phụ thuộc quá nhiều vào thông tin từ Bắc Kinh ở giai đoạn đầu của đại dịch.
Hơn 3 năm sau, nguồn gốc của virus vẫn là một bí ẩn gây tranh cãi. Giới khoa học, quan chức chính phủ và công chúng tiếp tục tranh luận về việc liệu có phải Covid-19 lây sang người từ động vật bị nhiễm bệnh, hay rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Ngay cả cộng đồng tình báo Mỹ cũng không đồng nhất trong các đánh giá về nguồn gốc của Covid-19.
Chính phủ Mỹ và các nước đồng minh của Washington, cùng WHO đã chỉ trích Chính phủ Trung Quốc không cho phép tiếp cận minh bạch với những dữ liệu có thể giúp xác định đại dịch bắt đầu từ đâu.
Theo vneconomy.vn