Từ trung tuần tháng 6/2022 đến nay, số bệnh nhân số xuất huyết ở TP.HCM tăng đột biến. Các quận/huyện: Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi, đang là những điểm nóng của dịch sốt xuất huyết của Thành phố .
BÙNG PHÁT Ổ DỊCH, QUÁ TẢI CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN CUỐI
Ghi nhận đến ngày 30/6, toàn Thành phố đã có 1.111 ổ dịch, 10 ca tử vong, hàng trăm trường hợp diễn tiến nặng, rất nặng.
BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2022 đến ngày 29/6/2022, số ca mắc tích luỹ tại khu vực phía Nam là 55.863 ca, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 117% (25.759 ca). Số ca tử vong tích luỹ do sốt xuất huyết (42 ca) so với cùng kỳ năm 2021 (7 ca) tăng 6 lần, trong đó có 24/42 là trẻ từ 15 tuổi trở xuống.
Riêng TP.HCM, hiện có số ca mắc, tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía Nam. Tính đến ngày 29/6/2022, số ca mắc tích lũy tại Thành phố là 20.952 ca, tăng 172,5% với cùng thời kỳ này năm 2021 là 7.688 ca.
Không chỉ quá tải ở một số bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện chuyên trị sốt xuất huyết (các bệnh nhiệt đới…), mà một số loại thuốc sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết bị thiếu, đứt nguồn cung đã gây ra không ít khó khăn cho các cơ sở y tế tại TP.HCM – nơi tiếp nhận bệnh nhận sốt xuất huyết đến từ nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Theo BS. Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, khu vực phía Nam hiện có ba bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết cho bệnh nhi, nhưng chỉ có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận các ca sốt xuất huyết nặng người lớn. Trong khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết người lớn lại gia tăng đột biến từ đầu năm đến nay, chiếm gần 50% tổng số ca mắc.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được phân công điều trị truyền nhiễm là 550 giường. Nhưng hiện tại đang tiếp nhận 739 ca mắc sốt xuất huyết, chưa tính các bệnh lý khác. Khoa hồi sức tích cực của bệnh viện đã quá tải, nên những bệnh nhân ở những khoa khác nếu chuyển nặng vẫn phải ở lại khoa để điều trị tích cực.
Ngoài ra, “các ca bệnh nặng của cả khu vực phía Nam đang đổ dồn về bệnh viện chúng tôi, nên bệnh viện đề nghị Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM có phương án giảm tải cho đơn vị”, BS. Hùng nói.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, theo BS. Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc bệnh viện, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022 số bệnh nhi nhập viện đã hơn 4.000 ca. Trong đó 21% tỷ lệ bệnh nhi bị sốc do sốt xuất huyết, hôn mê kèm các bệnh lý nền khiến việc điều trị kéo dài, khó khăn. Chỉ riêng trong hai tháng 5 và 6, mỗi tháng có hơn 100 ca sốc sốt xuất huyết nặng. Trong khi năm 2021 mỗi tháng chỉ có khoảng 20 ca.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, tình trạng quá tải cũng đang diễn ra. Theo Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng Thành phố – BS. Nguyễn Minh Tiến, tính từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 4.500 trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám ngoại trú và gần 2.000 trường hợp điều trị nội trú.
“Với số ca bệnh tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái, trong thời gian tới, bệnh viện chắc chắn sẽ quá tải, gây khó khăn cho việc điều trị”, BS. Tiến thừa nhận.
Theo thống kê, khoảng 70% các ca tử vong ghi nhận tại các bệnh viện tuyến cuối được bệnh viện tỉnh chuyển đến trong tình trạng quá nặng, vượt quá khả năng điều trị.
NGUY CƠ THIẾU THUỐC ĐẶC TRỊ, ĐỨT NGUỒN CUNG THUỐC
BS. Ngô Ngọc Quang Minh cho biết hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có gặp khó khăn là thuốc vận mạch Dopamin trong điều trị sốt xuất huyết đang dần cạn kiệt. Để tránh không bị đứt gãy điều trị, bệnh viện đang thay thế bằng Andrenalin và các thuốc kết hợp khác.
Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM đều phản ánh về tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết như: HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin…). Các bệnh viện đang sử dụng một số thuốc thay thế, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế tại TP.HCM mới đây, BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trước tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử HES 200, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh lại phác đồ điều trị, sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130 để thay thế.
Tuy nhiên, BS. Châu cũng thừa nhận do HES 130 không nằm trong phác đồ chính thức của Bộ Y tế, nên chưa được bên bảo hiểm y tế thanh toán. Ngoài ra, các cơ sở y tế đã phản ánh rằng phương án sử dụng HES 130 chỉ là tạm thời, không hiệu quả bằng HES 200. Vì vậy, Sở Y tế Thành phố kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương tìm nguồn cung ứng thuốc, để các bệnh viện điều trị kịp thời cho người bệnh.
Trước thực trạng này, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, cho biết Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa dung dịch HES 130 vào phác đồ chính thức điều trị sốt xuất huyết, để được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Cục cũng sẽ sửa đổi phác đồ điều trị sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng chỉ đạo Cục Quản lý Dược khẩn trương tìm kiếm nguồn cung thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp phép, nhập khẩu, quy định giá… kịp thời cung ứng cho các cơ sở y tế. Ông Sơn cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối cần tăng cường tập huấn, hỗ trợ chuyên môn để nâng cao năng lực điều trị cho tuyến dưới, hạn chế tình trạng chuyển tuyến, tránh quá tải cho tuyến cuối.
Dịch sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và thường gia tăng vào mùa mưa. Ngành y tế TP.HCM, cho biết hiện Thành phố đang vào chu kỳ bùng dịch sốt xuất huyết 3 – 4 năm một lần.
Thành phố đặt nhiệm vụ phòng chống dịch sốt xuất huyết là quan trọng nên đã đổi tên cơ quan phòng chống Covid-19 tại các quận, huyện (CDC các quận, huyện) thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tập trung vào sốt xuất huyết.
TP.HCM đang có chiến dịch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi. Đợt tổng vệ sinh được thực hiện từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9/2022 và có thể kéo dài hơn tùy theo tình hình.
Theo vneconomy.vn