Tình trạng nhiều người trong ngành y tế xin nghỉ việc diễn ra trên hầu khắp cả nước. Đặc biệt ở cả những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2021, Hà Nội có 532 người xin thôi việc và 82 người xin chuyển công tác.
Riêng 4 tháng đầu năm 2022 có tới 226 người từ bỏ công việc đang làm. Còn TP. Hồ Chí Minh 18 tháng qua đã có khoảng 2.028 người xin nghỉ việc.
HAI NGUYÊN NHÂN NỔI CỘM GÂY TÌNH TRẠNG NGHỈ VIỆC
Tình trạng nghỉ việc diễn ra hầu như ở tất cả các cấp khác nhau, cả ở y tế cơ sở, trạm y tế, cho tới các bệnh viện cấp địa phương, trung ương. Điều đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người xin thôi việc là những bác sĩ, chuyên viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên… thuộc lực lượng trực tiếp điều trị chăm sóc bệnh nhân.
Theo Sở y tế TP. Hồ Chí Minh, số nhân sự nghỉ việc đã chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố. Trong số đã xin nghỉ việc, bác sĩ chiếm khoảng 24%, điều dưỡng viên chiếm gần tới 50%.
Tỷ lệ phần trăm trên cả nước chưa thống kê đầy đủ, nhưng số điều dưỡng viên, kỹ thuật viên xin nghỉ việc, chuyển việc vẫn chiếm đa số. Tất nhiên cũng cần nhìn nhận một cách khác quan, hiện tượng xin nghỉ việc, bỏ việc của ngành y tế cũng đã diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng đột ngột tăng mạnh trong những năm ngành y chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tình trạng nhiều cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ và chuyển việc hồi đầu năm 2021 dù xảy vào thời điểm Hà Nội đang chống Covid-19, nhưng lại liên quan đến nguyên nhân nội tại của bệnh viện nhiều hơn.
Phân tích từ các trường hợp nghỉ việc của ngành y tế hiện nay, có thể thấy nổi trội lên bốn nguyên nhân chính: Thứ nhất, do thu nhập, lương, chế độ đãi ngộ cho lực lượng y, bác sỹ trực tiếp công tác điều trị cho bệnh nhân thấp, chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra trong môi trường làm việc đặc biệt.
Do vậy cần phải xem lực lượng này như những người lính đang trực tiếp ở chiến tuyến bảo vệ sức khỏe người dân, họ cần có những đãi ngộ tương xứng.
Sự vất vả của lực lượng này trong cuộc chống Covid-19 vừa qua là quá rõ, đó cũng là lý do để giải thích tại sao đại dịch Covid-19 trở thành một tác động quan trọng thúc đẩy nhân sự ngành y xin nghỉ việc.
Thứ hai, đó là môi trường làm việc, trong đó có việc cung cấp các thiết bị y tế, thuốc men, là các điều kiện để lực lượng này hoàn thành công việc tại các bệnh viện. Thế nhưng thực tế chưa thật sự hoàn thiện, chưa phát huy giúp cho năng lực chuyên môn của họ tốt hơn so với các cơ sở y tế tư nhân.
Điều này đã ảnh hưởng đến tới năng lực điều trị của bệnh viện, dẫn tới việc thu hút bệnh nhân tới bệnh viện, từ đó ảnh hưởng tới nguồn thu của bệnh viện.
Thứ ba, chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu của ngành y tế công chưa có sức thu hút và giữ chân người giỏi. Điều này y tế tư nhân đang làm tốt hơn rất nhiều và đang cạnh tranh rất lớn với y tế công.
Thứ tư, sự phụ thuộc về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của từng người cũng như ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua trong ngành y tế…Trong đó, hai nguyên nhân đầu là quan trọng nhất cần được xem xét, đánh giá.
HƯỚNG ĐẾN LỰC LƯỢNG TRỰC TIẾP ĐIỀU TRỊ BỆNH
Nhân lực ngành y tế đang đứng trước tình trạng báo động thiếu hụt nhân lực do có nhiều người xin nghỉ việc, chuyển việc. Đây là bài toán khó nếu không tìm giải pháp tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.
Trước tình trạng này, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo kết luận số 25 của Bộ Chính trị. Bộ cũng đã chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế…
Trước mắt, Bộ Y tế đang tập trung làm sao nâng thu nhập cho ngành y tế, ổn định cuộc sống cho họ.
Để giải quyết vấn đề nhân lực một cách dài hạn hơn cũng như đảm bảo việc chuyển giao thế hệ, đào tạo lực lượng kế cận, chắc chắn rất cần những quyết sách lớn để giải quyết tất cả những nguyên nhân kể trên.
Trước hết, về chính sách, ngành y tế nên xác định lực lượng trực tiếp công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân ở các cơ sở chữa bệnh thuộc diện đặc biệt. Có thể xếp ngang với lực lượng quân đội trong việc sắp xếp thang bảng lương, chính sách đãi ngộ, phụ cấp, chế độ trực ca… Điều này có thể đề nghị đưa vào khi sửa đổi Luật Khám chữa bệnh.
Trên cơ sở đó cần nghiên cứu, sửa đổi đưa ra các chính sách để nhằm giải quyết hai nguyên nhân nổi cộm nhất. Đó là vấn đề thu nhập thấp và môi trường, điều kiện làm việc cho ngành y. Vấn đề thu nhập của các bệnh viện liên quan rất nhiều đến môi trường làm việc, đến việc đầu tư thiết bị y tế chất lượng, kỹ thuật cao, cung cấp thuốc chất lượng tại các bệnh viện.
Các chính sách đưa ra làm sao hướng đầu tư công vào ngành y tế vừa lớn mà vẫn không bị thất thoát do tham ô, lãng phí. Chú ý đầu tư những thiết bị sử dụng công nghệ kỹ thuật cao dùng cho khám, điều trị bệnh của các nước tiên tiến.
Hiện nay, khi người bệnh đến bệnh viện công khám chữa bệnh, các dịch vụ từ các thiết bị này phần lớn đều được giới thiệu sang các bệnh viện tư làm. Các bệnh viên nằm vào diện tự chủ phải thực sự được tự chủ gần như các bệnh viện tư. Điều này cần phải hoàn thiện hàng loạt văn bản pháp luật liên quan đến đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, thuốc men…
Về môi trường làm việc, nhân viên y tế, nhất là tuyến cơ sở phải được học tập để nâng cao năng lực và phải được làm đúng chuyên môn. Thực tế hiện nay, nhiều bác sĩ trẻ được đưa về trạm y tế toàn bị giao đi làm các chương trình dự phòng, chương trình tiêm chủng… thay vì thực hiện chức năng chữa bệnh.
Các cơ sở y tế cần tạo ra môi trường có sự phản hồi, phản biện, tôn trọng nhau chứ không phải làm việc áp đặt, “trên dồn xuống dưới” sẽ dễ khiến các bác sĩ chán nản”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, rà soát các quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực ngành y; hoàn thiện các quy định, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực cho y tế cơ sở.
Theo vneconomy.vn