Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất khó cũng phải làm

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Y tế, các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 376/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021, của Thủ tướng Chính phủ.

          CÁC HIỆP HỘI, DOANH NGHIỆP DƯỢC CẦN CHỦ ĐỘNG ĐỀ XUẤT THÁO GỠ TỪNG ĐIỂM

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước là bảo đảm có đủ thuốc tốt, giá hợp lý nhất cho người dân. “Việc này dù khó cũng phải làm”, yêu cầu Bộ Y tế tổ chức họp, làm việc định kỳ với các hiệp hội, doanh nghiệp dược phẩm, các bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề cụ thể.

Trên tinh thần “sửa Luật Dược nhanh nhất có thể”, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế, các cơ quan soạn thảo không chỉ sửa những vấn đề trước mắt, mà bao gồm cả định hướng phát triển công nghiệp dược, hệ thống phân phối. Cùng với đó, các hiệp hội, doanh nghiệp dược không chỉ phản biện bất cập, vướng mắc trong quy định, chính sách mà cần chủ động đề xuất cụ thể để tháo gỡ từng điểm cụ thể.

 

Nêu những bất cập trong hoạt động đấu thầu, cấp số đăng ký lưu hành thuốc, các đại biểu cho rằng việc tháo gỡ, cải cách triệt để các thủ tục hành chính, như cấp số đăng ký lưu hành thuốc; tiền kiểm, hậu kiểm trong lĩnh vực dược phẩm; cùng với những ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng sẽ thúc đẩy công nghiệp dược trong nước phát triển.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Y tế phải xử lý dứt điểm việc gia hạn số đăng ký lưu hành thuốc; khẩn trương báo cáo về cơ chế tham chiếu biệt dược gốc (thuốc phát minh ) trong đăng ký lưu hành thuốc; Hoàn thành quy định phí thẩm định hồ sơ cấp phép số đăng ký lưu hành thuốc;

Khẩn trương sửa đổi Thông tư 30/2018/TT-BYT về ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, theo hướng cập nhật hằng năm hoặc trong trường hợp cần thiết.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương trình phương án xử lý việc nợ đọng tiền thuốc, vật tư thuộc diện bảo hiểm y tế chi trả; khẩn trương trình phương án xử lý việc nợ đọng tiền thuốc, vật tư thuộc diện bảo hiểm y tế chi trả do thanh toán vượt trần.

CÔNG NGHIỆP DƯỢC SẴN SÀNG ĐÓN NHẬN, THU HÚT ĐẦU TƯ

Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp dược 10-12%. Tổng giá trị thuốc ước tính sử dụng 6,92 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 73 USD/người. Thuốc trong nước chiếm 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 14,3% tự động hoá hoàn toàn, 68,1% có thiết bị tự động.

Hiện công nghiệp dược Việt Nam đang đón đầu nhiều cơ hội phát triển và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu của ngành.

Cùng với đó, các quy định hiện nay, từ chính sách chung đến quy định chuyên ngành, đều tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp dược; ưu đãi, thu hút đầu tư đối với việc sản xuất, đặc biệt sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc công nghệ cao, thuốc phát minh, thuốc sinh học, vaccine sinh phẩm, nguyên liệu làm thuốc…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ sở sản xuất chủ yếu tập trung đầu tư sản xuất thuốc generic thông thường, chưa chú trọng vào nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh… do việc nghiên cứu, chuyển giao các thuốc này cần đầu tư lớn về tài chính, thời gian, nguồn nhân lực chất lượng cao; trong khi hiện chưa có chính sách, cơ chế thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất các thuốc này.

Theo thống kê, các thuốc phát minh chỉ chiếm 3%, nhưng chiếm tới 22% giá trị, chủ yếu là thuốc nhập khẩu. Tương tự, thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị… sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh chiếm tỷ lệ lớn về giá trị tiền thuốc mặc dù số lượng sử dụng chiếm tỷ lệ thấp.

Ngoài ra, việc đàm phán giá, đấu thầu tập trung thuốc phát minh còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng thiếu thông tin tham khảo, so sánh giá. Chính sách quản lý giá thuốc, định hướng sử dụng thuốc generic… cũng hạn chế việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc phát minh…

 

Ông Đinh Xuân Huấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam, kiến nghị thời gian tới, các doanh nghiệp dược cần được tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn tài chính do hiện nay tỉ lệ nợ tiền thuốc sử dụng của các cơ sở khám chữa bệnh rất lớn, cơ chế đầu tư sản xuất thuốc công nghệ cao cần có sự linh hoạt kết hợp cả sản xuất các loại thuốc thông thường khác.

Bà Trần Thị Thư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, đề xuất cần có các cuộc họp thường xuyên giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp dược, để cập nhật, xử lý những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC