Sở Y tế TP. HCM ngày 30/9 cho biết, nếu như năm 2021, có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng thì sang năm 2022 chỉ còn 781 người có nguyện vọng nộp đơn đơn đăng ký học điều dưỡng tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (giảm 66%), tình hình này đang trở nên phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.
Thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng là một thực trạng rất đáng lo ngại, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp lại số đã nghỉ việc.
Theo lý giải của Sở Y tế TP. HCM, do đặc thù công việc của người điều dưỡng thường khá vất vả, áp lực công việc ngày càng cao, môi trường làm việc luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, trong khi thu nhập thì thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề trong một bộ phận điều dưỡng. Một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.
Bên cạnh đó, các điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng đều khá cao, mỗi năm học phải mất từ 35 – 40 triệu đồng, nhưng khi ra trường, công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên càng ngày số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.
Trước tình hình biến động về nhân lực của hệ thống y tế công lập, TP. HCM đã có các giải pháp trước mắt như: Thành phố hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố; cho phép ngành Y tế bổ sung nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm và có sức khỏe tốt cho hệ thống y tế cơ sở, đồng thời cho phép bổ sung chức danh bảo vệ, hộ lý cho các trạm y tế.
Thành phố cũng triển khai “Chương trình thí điểm thực hành lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa gắn với Trạm Y tế dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa”, đảm bảo các trạm y tế được bổ sung từ 1 đến 2 bác sĩ thực hành tổng quát, các bác sĩ đến thực hành tại các trạm y tế nhận được kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố.
Riêng đối với nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập, ngành Y tế TP.HCM đã kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng.
Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND cho tất cả điều dưỡng hiện đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc thành phố, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn.
Sở Y tế TP. HCM cũng kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030.
Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.
Theo Bộ Y tế, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân.
Qua báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc, từ ngày 1/1/2021 – 30/6/2022, cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, trong đó riêng điều dưỡng có 2.874 người. TP. HCM cũng là địa phương có số lượng viên chức y tế thôi việc, bỏ việc cao nhất với 2.035 người.
Theo vneconomy.vn