Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể diễn biến phức tạp hơn trước khi virus phát triển theo hướng mà giới chuyên môn có thể đoán định.
Giám đốc bộ phận khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 đang có xu hướng giảm, tuy nhiên con số này hiện vẫn ở còn ở mức cao. Các virus gây bệnh hô hấp sẽ không chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành, mà chỉ suy giảm xuống mức “hoạt động” thấp hơn với khả năng đỉnh dịch xảy ra theo mùa. Ông Michael Ryan khẳng định WHO vẫn theo dõi sát tình hình dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh dịch bệnh này sẽ còn dai dẳng.
Ông Ryan cũng lưu ý virus gây bệnh Covid-19 sẽ không bị loại bỏ và giống như bệnh cúm, virus này sẽ vẫn gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở những người dễ bị tổn thương. Một số quốc gia vẫn có lượng lớn những người dễ bị tổn thương chưa được tiêm phòng, trong khi ở những quốc gia khác, Covid-19 đã không còn là vấn đề y tế khẩn cấp.
Ủy ban khẩn cấp của WHO về Covid-19 cứ ba tháng họp một lần và dự kiến cuộc họp tới diễn ra vào tháng 5. Như trong các cuộc họp trước đó, ủy ban này sẽ quyết định liệu Covid-19 có gây ra Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) hay không.
Tại Việt Nam, từ tháng 4 đến nay, Covid-19 bắt đầu tăng nhanh, đặc biệt, trước thông tin biến thể phụ XBB.1.16 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột ngột số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ và một số quốc gia, nhiều người lo ngại về một làn sóng dịch mới. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 mới tăng gấp 7 lần so với một tuần trước đó. Đáng nói, số ca mắc mới được ghi nhận tăng dần theo từng ngày.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tuy Omicron vẫn là chủ đạo, nhưng liên tục xuất hiện các biến thể mới của chủng virus này. Với XBB.1.16 không đáng lo ngại lắm, dù lây lan nhanh, nhưng nó vẫn là biến thể của chủng Omicron. Hiện, XBB.1.16 chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng. Dẫu chưa đáng quan ngại, nhưng điều quan trọng là phải bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch.
Các chuyên gia y tế nhận định đợt tăng ca nhiễm mạnh này là một làn sóng dịch mới, tuy nhiên, không quá quan ngại bởi chúng ta có lợi thế hiểu biết về Covid-19, năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng linh hoạt hơn. Dù số ca mắc có gia tăng, nhưng không để bùng dịch lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP Hồ Chí Minh và miền Nam trước đây.
Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, phải chủ động dự phòng vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 nên test nhanh để có biện pháp phòng bệnh, chống lây nhiễm. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình, cộng đồng, nhất là bảo vệ những người dễ bị tổn thương (người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…) và tuân thủ lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. Trong dịp nghỉ lễ sắp tới, chuyên gia khuyến cáo người dân phải thực hiện tốt phòng bệnh khi đi lại.
Hiện các tỉnh thành trong cả nước đã chỉ đạo kích hoạt cập nhật báo cáo ngày về tình hình dịch Covid-19. Đơn cử như tại Hải Phòng, sáng 19/4, UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30-4-1-5 và thời gian diễn ra lễ hội Hoa Phượng đỏ vào trung tuần tháng 5-2023.
Các cơ sở y tế Hải Phòng đã sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung điều trị; đồng thời đang tiếp tục rà soát, cập nhật kế hoạch điều chỉnh số giường bệnh, bố trí đủ nhân lực để theo dõi, chăm sóc người mắc Covid-19 khi có chỉ định nhập viện. Sẵn sàng về trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy, đảm bảo đủ thuốc điều trị cho các bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên địa bàn và thuốc điều trị cho ca Covid-19 tại nhà.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, trong tháng 4-2023, số ca Covid-19 có xu hướng tăng ở một số địa phương và ở khu vực trường học. Từ ngày 1-17-4, trên địa bàn ghi nhận 812 ca; trong đó, 708 ca đang điều trị tại nhà, 2 ca phải thở máy xâm lấn do có bệnh nền.
Còn tại Hà Nội, trong bối cảnh cả nước một ngày ghi nhận hơn 1.500 ca mắc mới Covid-19, riêng Hà Nội gần 100 ca, UBND TP Hà Nội yêu cầu người dân khi đi siêu thị, quán bar, rạp chiếu phim, xe buýt… phải đeo khẩu trang để phòng, chống dịch.
Sau Hà Nội, đến Bình Dương khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người. Sở Y tế Bình Dương khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người, thường xuyên đeo khẩu trang, tăng cường tiêm vắc xin để phòng ngừa dịch bệnh…
Trước sự gia tăng ca mắc Covid-19, Bộ Y tế cũng đưa ra thông điệp phòng, chống dịch trong tình hình mới, theo đó khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Đặc biệt, bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19; các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4.
Theo vneconomy.vn