TÓM TẮT
Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là một hình thức quan trọng đảm bảo mọi người dân trong xã hội đều có cơ hội được bảo vệ bởi Bảo hiểm y tế. Nhằm tìm hiểu thực trạng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình năm 2018, đề tài được thực hiện với 2 mục tiêu: Mô tả kiến thức, thái độ và thực trạng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tại 2 xã – huyện Yên Khánh, Ninh Bình năm 2018 và phân tích mối liên quan giữa kiến thức, thái độ và việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình của đối tượng nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang, dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn người đại diện của hộ gia đình dựa trên bộ câu hỏi. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình của mẫu nghiên cứu là 61,4%. Tỉ lệ có kiến thức tốt là 47,8%. Tỷ lệ có thái độ tốt về việc tham gia Bảo hiểm y tế là 94,6%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình cao hơn ở đối tượng có kiến thức tốt và thái độ tốt về Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng nhằm thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong những năm gần đây, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh và đạt được mục tiêu mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; năm 2017 ước có khoảng 79,3 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, chiếm 84,9% dân số [3].
Người dân không thuộc các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có sự hỗ trợ trực tiếp một phần hoặc toàn bộ phí tham gia bảo hiểm y tế từ người sử dụng lao động, tổ chức BHXH hay Nhà nước thì sẽ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình bằng cách tự đóng góp phí Bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như là tấm “lưới đỡ” sau cùng cho những người dân chưa thuộc bất kỳ nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế nào khác, đảm bảo mọi người dân trong xã hội đều có cơ hội được bảo vệ bởi Bảo hiểm y tế. Quyền lợi hưởng Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cơ bản đầy đủ, tương đồng với những nhóm đối tượng khác tham gia Bảo hiểm y tế, mặc dù mức phí tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình khá có lợi đối với các hộ gia đình. Ở mức cao nhất, Quỹ Bảo hiểm y tế có thể chi trả tới 80% chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế và bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế chỉ cần thực hiện đồng chi trả 20% chi phí. Tuy nhiên, theo các báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn thấp. Trong năm 2016, nhóm này có 11,37 triệu người đang tham gia bảo hiểm y tế và còn khoảng 5-7 triệu người chưa tham gia bảo hiểm y tế [3]. Nguyên nhân của thực trạng này bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau, bao gồm hoàn cảnh khách quan và cả các yếu tố chủ quan từ kiến thức và thái độ của người dân [1, 2, 8, 11] [7].
Nhằm tìm hiểu thực trạng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và một số yếu tố liên quan tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình năm 2018, đề tài được thực hiệnvới 2 mục tiêu:
1. Mô tả kiến thức, thái độ và thực trạng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tại 2 xã – huyện Yên Khánh, Ninh Bình năm 2018.
2. Phân tích mối liên quan giữa kiến thức, thái độ và việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình của đối tượng nghiên cứu.
ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên đối tượng nghiên cứu là hộ gia đình sinh sống tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn người đại diện của hộ gia đình dựa trên bộ câu hỏi. Người đại diện được yêu cầu trên 18 tuổi, không phân biệt giới tính, còn minh mẫn, có khả năng giao tiếp bình thường, được giải thích và đồng ý tham gia nghiên cứu. Mẫu được chọn theo phương pháp phân tầng theo tỷ lệ.
Áp dụng công thức tích cỡ mẫu ước lượng một tỷ lệ trong quần thể:
Trong đó: n: là cỡ mẫu tối thiểu; p: 0,6 (tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình toàn quốc năm 2016 [3]); Z1-a/2 : hệ số tin cậy, ứng với độ tin cậy 95% (a=0,05)è Z1-a/2 =1,96; d là sai số cho phép: lấy d=0,05 => cỡ mẫu n=369, dự kiến 10% bỏ cuộc hoặc từ chối trả lời hoặc chất lượng thông tin không đạt yêu cầu, do đó nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 407 đối tượng.
Nghiên cứu lựa chọn lấy 50% tổng điểm để đánh giá mức tốt và không tốt của đối tượng.
- Kiến thức của người bệnh được đánh giá về 4 nội dung: hiểu biết về đối tượng tham gia bảo hiểm, mức đóng bảo hiểm, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế, quyền lợi khi khám chữa bệnh thông tuyến, trái tuyến. Tổng điểm Kiến thức về bảo hiểm y tế: 11, mức điểm Tốt: ≥5,5 điểm; Không tốt: <5,5 điểm
- Đánh giá thái độ về bảo hiểm y tế của đối tượng về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò của bảo hiểm y tế. Tổng điểm Thái độ về bảo hiểm y tế: 11, mức điểm Tốt: ≥5,5 điểm; Không tốt: <5,5 điểm.
Phân tích và xử lý số liệu: Biến định lượng được mô tả thống kê để đưa ra giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị min, max. Biến định tính được mo tả bằng số lượng và tỷ lệ phần trăm. Kiểm định với biến định tính: sử dụng test so sánh Khi bình phương, các so sánh có ý nghĩa thống kê với p<0,05 (sử dụng test Fisher-exact có hiệu chỉnh khi hệ số mong đợi nhỏ hơn 5). Kiểm định với biến định lượng: t-test để so sánh giá trị trung bình phân bố chuẩn, có ý nghĩa thống kê với p<0,05.
+ Các yếu tố liên quan được đánh giá thông qua sử dụng phân tích hồi quy logistics đơn biến và tính tỷ suất chênh OR với khoảng tin cậy 95% (95% CI). Mức ý nghĩa thống kê p < 0,05 được sử dụng để đánh giá mối liên có ý nghĩa trong thống kê phân tích.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Bảng 3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu (n=407)
Nghiên cứu tiến hành trên 407 cá nhân đại diện cho 407 hộ gia đình tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình. Đối tượng nhiên cứu có tuổi trung bình là 38 tuổi, trong đó, nhóm tuổi từ 18-29 chiếm tỷ lệ cao nhất (35,4%) và nhóm tuổi từ 60 trở lên chiếm tỷ lệ thấp nhất (10,3%). Phần lớn đối tượng đã kết hôn 71,7%. Về nghề nghiệp có tỷ lệ cao nhất ở nhóm lao động gia đình 31,0%. Đa số các hộ gia đình có dưới 4 người 96,5%; trung bình có 3,53±1,20/hộ gia đình. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế của mẫu nghiên cứu là 61,4%. Tỷ lệ này của các hộ gia đình thuộc nhóm tuổi 50-60 cao hơn so với nhóm các gia đình trẻ với 72,2%. 65,4% các đối tượng đã kết hôn có tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình trong khi tỉ lệ này ở nhóm độc thân chỉ đạt 51,3%. Các hộ thuộc nhóm khá giả cũng tham gia bảo hiểm với tỉ lệ cao hơn nhóm các gia đình có mức sống trung bình và dưới trung bình.
Tỉ lệ người tham gia nghiên cứu có kiến thức tốt là 47,8%. Cụ thể, 54,8% đối tượng có kiến thức đúng và đầy đủ về các nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế. Trong khi, chỉ có 34,6% biết đúng mức đóng Bảo hiểm y tế hằng năm. Tỷ lệ đối tượng có kiến thức đúng về quyền lợi được hưởng khi khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu còn thấp 34,2%. Tuy nhiên tỷ lệ đối tượng có kiến thức về khám chữa bệnh thông tuyến, trái tuyến khá cao 57,5%.
Phần lớn đối tượng có thái độ tốt với Bảo hiểm y tế với 94,6% đạt điểm từ 5 trở lên. Cụ thể, 90,4% ý thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế, 80,1% đối tượng cho biết đồng ý với các giá trị và ý nghĩa cộng đồng của bảo hiểm y tế. 92,4% đồng ý rằng Bảo hiểm y tế mang tính dự phòng rủi ro, và chia sẻ trong cộng đồng, thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân; cần thiết cho mọi đối tượng, bệnh nhân bảo hiểm y tế không bị phân biệt đối xử khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, chỉ có 44% đồng ý rằng nên bắt buộc mọi người tham gia Bảo hiểm y tế.
Bảng 3.2. Mối liên quan giữa thái độ chung về bảo hiểm y tế và thực trạng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Nhóm có kiến thúc tốt có 67,2% đã đang tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình trong khi tỉ lệ này ở nhóm kiến thức không tốt là 56%. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình cao hơn ở đối tượng có kiến thức bảo hiểm y tế đạt OR=1,61 (95%CI: 1,05-2,46). Tương tự, tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình cao hơn ở đối tượng có thái độ tốt với OR=2,96 (95%CI: 1,21-7,23). Cả hai mối liên quan này đều có ý nghĩa thống kê với p<0,05
BÀN LUẬN
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong tổng số 407 người tham gia vào nghiên cứu, có 250 người (61,4%) hiện đang tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình. Kết quả này cao hơn rất nhiều so với một số nghiên cứu: Lê Ngọc Quỳnh (20,4%), Viện Chiến lược và chính sách y tế (33,4%) [10], nghiên cứu của Bùi Thị Tú Quyên (21,2%) [5]. Tuy nhiên, so với nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội cho thấy tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế (66,4%), cao hơn tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên cả nước [4] và kết quả của nghiên cứu này.
Theo báo cáo năm 2017 cho thấy, một trong những nguyên nhân tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình còn thấp là giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi chi trả từ quỹ Bảo hiểm y tế thời gian qua thấp hơn giá dịch vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cùng với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ KCB và duy trì nguồn lực cho công tác tuyên truyền như hiện nay, tỉ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế trong nhóm này chắc chắn sẽ gia tăng.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 48,7% đối tượng có kiến thức về bảo hiểm y tế tốt. Kết quả này cao hơn nghiên cứu của Lê Ngọc Quỳnh (2012) cho thấy điểm kiến thức chung của nông dân là 36,9% có kiến thức về bảo hiểm y tế đạt [6]. Tuy nhiên tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ 66% nông dân có kiến thức đạt của nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, tại Chí Linh, Hải Dương năm 2008 [9]. Phần lớn đối tượng trong nghiên cứu của chúng tối có thái độ tốt với Bảo hiểm y tế song tỷ lệ này thấp hơn nghiên cứu của Lê Ngọc Quỳnh (2012) [6] cho thấy tới 97,6% đối tượng nghiên cứu cho biết họ có quan tâm đến Bảo hiểm y tế, tuy nhiên cao hơn nhiều so với kết quả 86,8% tại Nam Sách, Hải Dương; 67% tại Chí Linh, Hải Dương; 74,7% tại Viết Yên, Bắc Giang; 78,64 tại Yên Dung, Bắc Giang theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế [9].
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình cao hơn ở đối tượng có kiến thức Bảo hiểm y tế. Vì nhiều lí do mà người dân chưa có nhận thức chưa đúng hoặc hiểu sai về giá trị tấm thẻ bảo hiểm y tế. Lúc cần đến thì đã quá muộn, nhất là trong bối cảnh các cơ sở y tế công lập đang áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế. Kết quả này cùng xu hướng với nghiên cứu của Lammers và Wamerdam, 2010[12]. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình cao hơn ở đối tượng có thái độ tốt. Điều này phản ánh ảnh hưởng khá rõ rệt của niềm tin về bảo hiểm y tế của đối tượng với sự tham gia bảo hiểm y tế gia đình của họ. Niềm tin này sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi chất lượng khám chữa bệnh liên quan đến Bảo hiểm y tế.
KẾT LUẬN
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình của mẫu nghiên cứu là 61,4%. Tỉ lệ có kiến thức tốt là 47,8%. Tỷ lệ có thái độ tốt về việc tham gia Bảo hiểm y tế là 94,6%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình cao hơn ở đối tượng có kiến thức tốt và thái độ tốt về Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Nguyên Anh và cộng sự (2007.), Những yếu tố quyết định khả năng tiếp cận Bảo hiểm y tế ở Việt Nam. Tạp chí xã hội học 2, 1.
2. Trịnh Hòa Bình và cộng sự, Bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, in Đề tài cấp Viện, Phòng Xã hội học Sức khỏe2005: Viện Xã hội học.
3. Chính phủ, Báo cáo số 456/BC-CP – Việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, 2017.
4. Nguyễn Thị Kim Hoa, Mai Linh (2015.), Thực trạng sử dụng bảo hiểm y tế của người dân. Tạp chí xã hội học 2, 2(130): p. 76-85.
5. Bùi Thị Tú Quyên, Nguyễn Thị Kim Ngân (2016.), Thực trạng bao phủ Bảo hiểm Y tế tại và một số yếu tố liên quan ở người lao động phi chính thức quận Long Biên, Hà Nội. Tạp chí Y tế công cộng, 42(6): p. 48-55.
6. Lê Ngọc Quỳnh, Thực trạng tham gia bảo hiểm y tế của nông dân thị xã Sơn Tây, Hà Nội, năm 2012 và một số yếu tố liên quan, 2012, Đại học Y tế công cộng.
7. Hoàng Kiến Thiết và cộng sự, Tổ chức thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam trong tình hình mới, in Đề tài nghiên cứu khoa học2008: Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
8. Lê Cảnh Bích Thơ, Trương Thị Thanh Tâm Võ Văn Tuấn (2016.), CÁc yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm Y tế tự nguyện của người dân thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 48(D): p. 20-15.
9. Viện chiến lược và chính sách y tế, Phát triển BHYT ở nông thôn, 2008.
10. Viện chiến lược và chính sách y tế, Đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh bảo hiểm y tế trong tình hình mới, 2012.
11. Nguyễn Văn Song, Vũ Ngọc Huyên (2014.), Thực trạng tham gia Bảo hiểm Y tế tự nguyện của Nông dân Tỉnh Thái Bình. Tạp chí Khoa học và phát triển, 12(6): p. 853-861.
12. Judith Lammers, Susan Warmerdam, and Rotterdam Ecorys (2010.), Adverse selection in voluntary micro health insurance in Nigeria. AIDS Research Series, 6.
TS. Hà Văn Thúy
TS. Kiều Thị Tuyết Mai
Ths. Phạm Minh Hùng