Nghiên cứu mới đây được xuất bản trên tạp chí Nature Communications cho rằng, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 biểu hiện chủ yếu là hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng. Di chứng thần kinh hậu Covid-19 cũng được ghi nhận với các biểu hiện thường gặp ở người sau khi mắc bệnh như nhức đầu, chóng mặt, thậm chí đột quỵ, viêm màng não…
Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân và diễn tiến của bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hệ thần kinh ra sao. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications đã tiến hành thí nghiệm trên một số loài linh trưởng nhiễm SARS-CoV-2 để tìm hiểu các di chứng thần kinh do ảnh hưởng kéo dài của Covid-19.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu sử dụng 2 loài linh trưởng gồm khỉ vàng và khỉ xanh châu Phi làm mẫu nhiễm SARS-CoV-2 để đánh giá các bệnh về não. Trong đó, 2 con khỉ vàng và 2 con khỉ xanh châu Phi nhiễm virus qua các hạt khí dung (aerosol), 2 con khỉ vàng và 2 con khỉ xanh châu Phi nhiễm virus qua đường niêm mạc.
Ngoài ra, 2 con khỉ vàng và 2 con khỉ xanh châu Phi được dùng làm các đối tượng so sánh, được lây nhiễm mô phỏng trong môi trường nuôi cấy. Tất cả những con khỉ phơi nhiễm với virus đều có biểu hiện mắc bệnh trong tuần đầu tiên sau khi tiếp xúc, bất kể lây qua đường nào. Sau đó, các nhà nghiên cứu theo dõi các chứng viêm não, chảy máu não, não thiếu oxy, thoái hóa thần kinh và sự chết tế bào ở những con khỉ nhiễm virus.
Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh lý thần kinh được phát hiện ở những con khỉ mắc bệnh nhưng không biểu hiện các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện virus trong các tế bào nội mô não, ngay cả khi khỉ không mắc bệnh nặng hoặc không có các triệu chứng thần kinh rõ ràng.
Các loài linh trưởng có thể là mô hình khả thi để mô phỏng những bệnh lý thần kinh liên quan đến SARS-CoV-2. Các kết luận rút ra từ mô hình này có thể được áp dụng ở người bệnh. Theo đó, các tác giả đề xuất những bệnh nhân mắc hội chứng kéo dài của Covid-19 cần được theo dõi trong một thời gian dài để phòng biến chứng thần kinh.
Tại Việt Nam, mới đây bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đã cho biết thống kê từ 15 nghiên cứu trên thế giới ghi nhận 44% người bị đau đầu, 11% mất ngủ sau khi khỏi Covid-19. Sau 6 tháng, các triệu chứng này vẫn tiếp diễn với tần suất khá cao, với khoảng 50% trường hợp kéo dài.
Theo bác sĩ Đức, triệu chứng đau đầu, mất ngủ, chóng mặt… hậu Covid-19 có thể là di chứng của quá trình viêm thần kinh. Tổn thương viêm có thể tạo ra nhiều gốc tự do gây hại, theo thời gian làm thần kinh nhanh thoái hóa. Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra nCoV xâm nhập trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương thông qua thụ thể ACE-2, trong khi đó ACE-2 biểu hiện tại các vùng não như vỏ não vận động, hồi đai sau, hành khứu giác và một số vị trí khác.
nCoV cũng có thể xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương một cách gián tiếp do tình trạng thiếu oxy và rối loạn chuyển hóa cũng như mất nước và viêm hệ thống. Ngoài ra, cơn bão cytokine có thể gây đau nửa đầu. Một khảo sát được công bố chỉ ra rằng chứng đau nửa đầu là loại đau đầu hậu Covid-19 thường gặp nhất.
Cùng với đó, sức khỏe chưa hoàn toàn phục hồi sau mắc Covid-19, lo lắng, áp lực vô hình do đại dịch gây ra như thất nghiệp, giảm thu nhập, cuộc sống bình thường mới còn nhiều hạn chế, nỗi đau mất đi người thân… Căng thẳng, áp lực kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều gốc tự do tấn công não bộ, dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, mất tập trung, trầm cảm.
Theo vneconomy.vn