Chi phí trực tiếp cho y tế trong điều trị đái tháo đường týp 2 của người bệnh sử dụng bhyt tại tuyến huyện của việt nam năm 2017

TÓM TẮT

Chi phí điều trị bệnh đái tháo đường là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Nghiên cứu nhằm: “Xác định chi phí trực tiếp chi cho y tế trong điều trị đái tháo đường Týp 2 của người bệnh sử dụng BHYT tại tuyến huyện ở Việt Nam, năm 2017. Phương pháp nghiên cứu: mô tả dựa trên tỉ lệ hiện mắc, Ngân hàng dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2017. Trên địa bàn 7 tỉnh nghiên cứu, cơ sở dữ liệu có 132.159 bệnh nhân có sử dụng bảo hiểm y tế. Trung bình một lần khám chữa bệnh của bệnh nhân ĐTĐ tại cơ sở y tế tuyến huyện tiêu tốn 382.317 đồng chi phí y tế trực tiếp. Số lượt đi khám trung bình trong năm của bệnh nhân là 8,3 lần, chi phí y tế trung bình là 3.167.531 đồng. Có sự khác biệt chi phí điều trị ở nhóm người bệnh nam và nữ, nhóm tuổi, nơi sinh sống, biến chứng và bệnh mắc kèm làm tăng chi phí của bệnh nhân đái tháo đường typ 2.

Từ khóa: Chi phí trực tiếp, đái tháo đường, tuyến huyện, năm 2017

ĐẶT VẤN ĐỀ

Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hoá glucid mạn tính, hiện đang gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, nước ta có khoảng 3,5 triệu bệnh nhân ĐTĐ và khoảng 1,8 triệu bệnh nhân còn chưa được chẩn đoán và điều trị [6]. Theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ bệnh ĐTĐ tăng nhanh từ 2,7% vào năm 2002 đến 5,4% năm 2012 và năm 2017, ước tính có khoảng 6% dân số sống chung với bệnh ĐTĐ.

Chi phí điều trị bệnh ngày càng trở lên tốn kém và phức tạp. Ước tính, tổng chi phí trên toàn thế giới cho chăm sóc, điều trị bệnh đái tháo đường năm 2015 là 673 tỷ USD, con số này có thể đạt tới 802 tỷ USD vào năm 2040 [5]. Riêng tại Mỹ năm 2017, cho thấy tổng chi phí y tế của bệnh ĐTĐ là 327 tỷ đô la, trong đó chi phí trực tiếp là 237 tỷ đô la với chi phí thuốc là 71,2 tỷ đô la [4].

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về chi phí của bệnh ĐTĐ, tuy nhiên ở Việt Nam, các khảo sát, phân tích khoa học về gánh nặng kinh tế do ĐTĐ gây ra còn rất ít. Đến thời điểm này, những nghiên cứu được tiến hành trong nước đều được tiến hành trên cỡ mẫu nhỏ và mang tính cục bộ. Công bố quốc tế duy nhất được tìm thấy là nghiên cứu trên 392 bệnh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu này ước tính chi phí hàng năm cho một bệnh nhân là $246.10, bao gồm $127.30 chi phí y tế trực tiếp, $34.40 chi phí trực tiếp ngoài y tế và $84.40 chi phí gián tiếp [7]. Vì vậy đề tài được thực hiện với mục tiêu: Xác định chi phí trực tiếp chi cho y tế trong điều trị đái tháo đường Týp 2 của người bệnh sử dụng BHYT tại tuyến huyện ở Việt Nam, năm 2017.

ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Lựa chọn tất cả các bệnh nhân có:

Đối tượng nghiên cứu

  • Ngân hàng dữ liệu của Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ghi nhận thanh toán cho các CSYT

Tiêu chuẩn lựa chọn người bệnh từ ngân hàng dữ liệu:

Lựa chọn tất cả các bệnh nhân có:

  • Chẩn đoán hoặc bệnh mắc kèm là Đái tháo đường hoặc các biến chứng liên quan mật thiết với ĐTĐ, bao gồm các mã: E11, E10, O24, E15, E16, E71, P70, T38.3.
  • Được kê đơn sử dụng insulin
  • Được kê đơn sử dụng 1 trong số các thuốc điều trị đái tháo đường đường uống
  • Người bệnh điều trị tại bệnh viện tuyến huyện trong 7 tỉnh Sơn La, Thái Bình, Nghệ An, Ninh Thuận, Gia Lai, Tây Ninh và An Giang (đại diện cho 7 vùng sinh thái: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ & Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ).
  • Tiêu chuẩn loại trừ người bệnh từ ngân hàng dữ liệu:

Người bệnh không phải ĐTĐ Týp 2 bao gồm:

  • BN chỉ có 1 lần được ghi nhận mã E11 hoặc lĩnh thuốc điều trị ĐTĐ dưới 3 lần.
  • Loại trừ BN nghi ngờ ĐTĐ typ 1: BN dưới 30 tuổi hoặc chỉ dùng insulin ko dùng thuốc điều trị ĐTĐ đường uống
  • Bước 4: Loại trừ ĐTĐ thai kì
    • Loại BN có mã O24:
    • Loại thêm các bệnh nhân có mã thủ thuật Siêu âm và sinh đẻ

Địa điểm nghiên cứu: Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc – Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả dựa trên tỉ lệ hiện mắc

Phân tích xử lý số liệu

Số liệu được quản lý bằng phần mềm Oracle. Dữ liệu được phân tích bằng SPSS 20.0. Tất cả các biến phân loại được thống kê mô tả qua tỉ lệ phần trăm. Các biến định lượng được tính giá trị trung bình, độ lệch chuẩn SD, trung vị, max, min, khoảng tứ phân vị. Thống kê phân tích sử dụng kiểm định thống kê Chi bình phương (Chi square test) so sánh tỷ lệ giữa các nhóm kiểm định thống kê T-studient/Wilconson, ANOVA so sánh giá trị trung bình/trung vị giữa các nhóm. Giá trị P< 0,05 cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

KẾT QUẢ

Bảng 1: Một số đặc điểm nhân khẩu học của mẫu nghiên cứu

Trên địa bàn 7 tỉnh nghiên cứu, cơ sở dữ liệu ghi nhận thông tin của 132.159 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có sử dụng bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh. Trong đó, An Giang là tỉnh có số lượng bệnh nhân lớn nhất đạt 43.335 người. Trong khi đó, các tỉnh đại diện cho vùng núi phía bắc và Tây Nguyên chỉ có trên 3000 bệnh nhân.

Số lượng bệnh nhân nữ tại tất cả các tỉnh đều lớn hơn bệnh nhân nam, tỉ lệ dao động từ 50,55% tại Nghệ An cho tới 71,11% tại An Giang. Trên 85% bệnh nhân đều đã trên 50 tuổi, cụ thể 30,34% bệnh nhân có độ tuổi từ 50-59 tuổi, và 34,52% là từ 60-69 và 21,54% trên 70 tuổi.

Bảng 2: Tỉ lệ của một số biến chứng và bệnh mắc kèm

Biến chứng trên tim mạch là biến chứng phổ biến nhất với 45,42% bệnh nhân được ghi nhận có biến chứng này. Đứng thứ hai là các  biến chứng trên hệ thần kinh với 17,48%. Các biến chứng về chuyển hóa như nhiễm toan ceton có tỉ lệ thấp nhất với  1,27%. Nhìn chung, tuổi càng cao tỉ lệ có biến chứng của bệnh nhân đái tháo đường càng lớn.

Tăng huyết áp và rối loạn lipid máu là hai bệnh mắc kèm phổ biến nhất đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Có tới 68,63% bệnh nhân có tăng huyết áp  và 53,3% bệnh nhân mắc kèm rối loại lipid máu. Tỉ lệ tăng huyết áp tăng khi tuổi của bệnh nhân tăng, còn rối loạn lipid máu lại không thể hiện mối tương đồng này. Nhóm bệnh nhân trẻ tuổi lại có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất, lên tới 57,14%.

Bảng 3: Chi phí trung bình cho một lượt khám chữa bệnh

Trung bình một lần khám chữa bệnh của bệnh nhân ĐTĐ tại cơ sở y tế tuyến huyện  tiêu tốn 382.317 đồng cho chi phí y tế trực tiếp. Trong đó, chi phí tiền thuốc chiếm tỉ trọng lớn nhất với  tỉ lệ là 50%, đứng thứ hai là chi phí cho các  xét nghiệm với 23%, các chi phí còn lại như tiền giường, tiền khám, thủ thuật … chỉ chiếm khoảng 27%.

Trung bình một năm, một bệnh nhân ĐTĐ đến cơ sở y tế tuyến huyện 8,3 lượt nên ước tính chi phí y tế trong một năm ước tính là 3.167.531 đồng (SD= 3.828.792 đồng).

Bảng 4: Chi phí y tế trực tiếp trung bình trong năm 2017 của bệnh nhân ĐTĐ typ 2

Phân tích một số yếu tố của bệnh nhân cho thấy. bệnh nhân có tuổi càng cao thì chi phí y tế càng lớn. Với nhóm bệnh nhân dưới 30 tuổi, chi phí cho một năm chỉ là 841.857 đồng, trong khi đó, với bệnh nhân trên 70 tuổi con số này lên tới 3.922.081 đồng. Bệnh nhân nam có chi phí cao hơn so với bệnh nhân nữ.

Bệnh nhân tại các tỉnh khác nhau cũng có chi phí trung bình khác nhau. Chi phí thấp nhất thuộc về tỉnh An Giang với 1.643.903 đồng và Ninh Thuận với 1.767.239 đồng. Tại Nghệ An và Sơn La, chi phí cho một năm điều trị của bệnh nhân lên đến trên 4.600.000 đồng, tức là gấp tới 2,7 lần so với An Giang và Ninh Thuận.

Trên nhóm bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng của ĐTĐ, chi phí y tế lớn hơn so với nhóm không có biến chứng, và sự khác biệt này đều có ý nghĩa thống kê. Các biến chứng làm gia tăng chi phí lớn nhất là biến chứng mắt, biến chứng thận và biến chứng chuyển hóa. Các bệnh nhân có biến chứng tim mạch cũng làm gia tăng chi phí song trung bình một năm chi phí của vẫn ở dưới mức 4 triệu đồng.

Bệnh nhân có bệnh mắc kèm cũng có chi phí trung bình cao hơn nhóm bệnh nhân không có bệnh mắc kèm (p<0,05). Trong đó, rối loạn lipid máu làm tăng chi phí nhiều hơn so với tăng huyết áp  và cấc bệnh khác.

BÀN LUẬN

Nghiên cứu tiến hành phân tích dựa trên cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam, là nguồn dữ liệu có độ tin cậy cao, cỡ mẫu lớn, ghi nhận đầy đủ các cấu phần chi phí y tế trực tiếp do cơ quan BHYT chi trả. Phần lớn các nghiên cứu chi phí trực tiếp y tế được tiến hành ở Việt Nam từ trước đến nay được tiến hành trên thực địa bằng việc khảo sát hồ sơ bệnh án, phiếu thanh toán viện phí của bệnh nhân. Việc khảo sát tại cơ sở y tế có nhiều hạn chế về cỡ mẫu, tính đại diện, khả năng ngoại suy và khả năng ước tính gánh nặng bệnh tật của đái tháo đường. Việc tính toán chi phí dựa trên cơ sở dữ liệu có khả năng khắc phục được các yếu điểm này.

Kết quả nghiên cứu ở cho thấy chi phí trung bình cho một năm điều trị tại tuyến huyện của bệnh nhân đái tháo đường typ 2 là 3.167.531 đồng, dao động từ 1.643.903 đồng ở An Giang tới 4.711.023 đồng ở Nghệ An, điểm này khá phù hợp với nghiên cứu tại một bệnh viện cấp quận tại Thành phố Hồ Chí Minh với chi phí y tế trực tiếp ước tính là 127,3 đô la Mỹ [7].

Trong chi phí y tế trực tiếp, thuốc chiếm tỉ trọng cao nhất với khoảng 50%, kết quả này thống nhất với các nghiên cứu khác được tiến hành trong nước như nghiên cứu tại  bệnh viện Bạch Mai cho thấy thuốc chiếm khoảng 70%, nghiên cứu tại bệnh viện đa khoa tính Bình Định là 61,9% và tại bệnh viên Thanh Nhàn là 56,4% [1-3].

Kết quả của nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân có biến chứng và bệnh mắc kèm có chi phí cao hơn so với nhóm bệnh nhân chỉ mắc đái tháo đường typ 2. Tuy nhiên mức độ chênh lệch nhỏ hơn so với nghiên cứu trên các bệnh nhân nội trú của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nhung [3]. Nguyên nhân dễ thấy là do các đợt điều trị nội trú sẽ phải chịu ảnh hưởng của các biến chúng nhiều hơn so với việc khám ngoại trú định kỳ.

KẾT LUẬN

Chi phí trung bình cho một đợt điều trị của người bệnh đái tháo đường tại các cơ sở y tế tuyến huyện của 7 tỉnh Sơn La, Thái Bình, Nghệ An, Ninh Thuận, Gia Lai, Tây Ninh và An Giang là 382.317 đồng, trong đó tỷ lệ chi phí cho thuốc là cao nhất (50%). Trong một năm, số lượt đi khám trung bình của bệnh nhân là 8,3 lần, chi phí y tế trung bình cho một năm là 3.167.531 đồng (SD= 3.828.792 đồng).
Có sự khác biệt chi phí điều trị ở nhóm người bệnh nam và nữ, nhóm tuổi, nơi sinh sống.

Chi phí điều trị của người bệnh có bệnh mắc kèm cao hơn nhóm bệnh nhân không có bệnh mắc kèm. Chi phí điều trị của người bệnh có biến chứng cao của người bệnh không có biến chứng (P <0,05).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Lê Thị Thanh Minh (2009), Phân tích chi phí điều trị trực tiếp của bệnh nhân đái tháo đường điều trị nội trú tại khoa Nội Tiết và Đái tháo đường bệnh viện Bạch Mai giai đoạn từ 1/1/2018-31/12/2018, Luận văn Thạc sĩ dược học: Đại học Dược Hà Nội, Hà Nội, Việt Nam.

2.      Nguyễn Thị Bích Thủy, Vũ Xuân Phú, and Nguyễn Quỳnh Anh (2013), Chi phí trực tiếp cho y tế và ngoài y tế của người bệnh đái tháo đường tại khoa Nội Tiết-Bệnh viện Thanh Nhàn-Hà Nội, Y học thực hành, 893(11),  p. 6-10.

3.      Nguyễn Thị Tuyết Nhung (2012), Nghiên cứu chi phí đợt điều trị nội trú của người bệnh đái tháo đường tại  khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định năm 2011.

4.      Association American Diabetes (2018), Economic Costs of Diabetes in the U.S. in 2017, Diabetes Care, 41(5),  p. 917-928.

5.      Internetional Diabetes Federation. What is diabetes? 2017  [cited 2017 July 27]; Available from: https://www.idf.org/about-diabetes/what-is-diabetes.html.

6.      International Diabetes Federation (2015), IDF Diabetes Atlas 7th edition. Brussels.

7.      N. T. D. Le, L. Dinh Pham, and T. Quang Vo (2017), Type 2 diabetes in Vietnam: a cross-sectional, prevalence-based cost-of-illness study, Diabetes Metab Syndr Obes, 10,  p. 363-374.

PGS.TS. Phạm Huy Tuấn Kiệt
TS. Kiều Thị Tuyết Mai
ThS. Lê Hồng Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC