Vụ che giấu 3,8 triệu USD: Dược Cửu Long kháng cáo và bài học quản trị doanh nghiệp

Ngày 15/12, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của một số bị cáo và các bên liên quan trong vụ án Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long che giấu 3,8 triệu USD.

CỰU CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ XIN GIẢM ÁN

Có 3 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dược Cửu Long), Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Dược Cửu Long) và Nguyễn Nam Liên (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, Phó Trưởng ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế).

Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Hóa 9 năm tù, Hải 6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Liên lĩnh 24 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng.

Trong vụ án này, bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc chi nhánh TP.HCM kiêm giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Dược Cửu Long) lĩnh án 5 năm tù.

Ở nhóm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, các bị cáo Nguyễn Việt Hùng (cựu phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) lĩnh 5 năm 6 tháng tù; Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Phạm Thị Minh Nga (chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế): 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dược Cửu Long) là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamivir với Bộ Y tế. Bị cáo Hóa biết rõ các quy định của pháp luật về việc quản lý giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng bằng nguồn ngân sách nhà nước và điều khoản của hợp đồng sản xuất thuốc với Bộ Y tế. 

Mặc dù Dược Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng bị cáo Hóa đã chỉ đạo đồng phạm hạch toán kế toán trái quy định, lập thư giãn nợ, hợp thức hồ sơ thanh toán báo cáo sai sự thật với Bộ Y tế che giấu việc giảm giá mua nguyên liệu, nhằm giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD để sử dụng tại công ty, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Còn cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành cơ chế quản lý giá đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế. Sau khi kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bị cáo Quang biết Dược Cửu Long chưa thanh toán số tiền hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu nhưng không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ. 

Sau đó, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra làm rõ bản chất số tiền Dược Cửu Long chậm trả nhà cung cấp nguyên liệu hay đã được giảm giá để có biện pháp thu hồi cho Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền hơn 3,8 triệu USD.

BÀI HỌC VỀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

Bên cạnh đó, tòa án cũng nhận được đơn kháng cáo của Công ty cổ phần Dược Cửu Long và một số bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về phần dân sự.

Theo quyết định của bản án sơ thẩm, Dược Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế số tiền hơn 58,4 tỷ đồng. Công ty có quyền yêu cầu các bị cáo Hóa, Hải, Nghĩa, các pháp nhân có liên quan hoàn trả số tiền Dược Cửu Long bồi thường cho Bộ Y tế theo quy định pháp luật. Nếu có tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Trong thông báo mới đây, Dược Cửu Long cho biết, trong ngắn hạn, bản án sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên sẽ nỗ lực để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn của Công ty.

Qua rà soát tài chính, kế toán, Công ty nhận thấy các sai phạm trong vụ án sản xuất thuốc Oseltamivir diễn ra trong khoảng năm 2006-2008 thuộc về trách nhiệm của các cá nhân tham gia Ban điều hành công ty giai đoạn trên.

Ban lãnh đạo cũng xác định, các nội dung liên quan đến vụ án cũng là bài học để Công ty siết chặt công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp. Nguyên tắc quan trọng đã được Ban lãnh đạo công ty đề ra và thực hiện xuyên suốt kể từ giai đoạn 2014 đến nay là tuân thủ đúng, đầy đủ mọi quy định pháp luật và giữ tinh thần thượng tôn pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với bài học này, Ban lãnh đạo sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm phòng trách mọi rủi ro pháp lý phát sinh cho công ty trong tương lai.

 

Tính đến quý 3/2022, tổng tài sản Dược Cửu Long đạt hơn 2.138 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 174% so với thời điểm 2015 (giai đoạn SCIC thoái vốn). Vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.443 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất công ty ghi nhận đạt 670,71 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 69,081 tỷ đồng.

Theo vneconomy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

14 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline

Hotline

(+84)365 999 115

Email

Email

info@herac.org

Liên hệ

Liên hệ

với HERAC